Tờ Business Insider gần đây có bài viết gợi ý 9 cách đơn giản để lấy lòng sếp từ nhiều nghiên cứu khoa học và ý kiến của chuyên gia. Nếu đang tìm cách gây ấn tượng với sếp, đây là vài mẹo đơn giản mà bạn có thể ứng dụng.
1. Cố gắng tự giải quyết vấn đề
Trong quyển sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” mà ông Dale Carnegie xuất bản năm 1948 có giai thoại về Leon Shimkin, người khi đó là tổng quản lý tại nhà xuất bản Simon and Schuster. Ông Shimkin chia sẻ với Carnegie một cách để cắt giảm đáng kể thời gian họp: Ông thông báo với đội ngũ làm việc rằng họ không được báo cáo bất kỳ vấn đề nào nếu không tự nghĩ ra được cách giải quyết.
Vì thế, hãy gây ấn tượng với sếp của bạn bằng kỹ năng giải quyết vấn đề và chỉ đem vấn đề tiến thoái lưỡng nan lên bàn họp khi bạn không cách nào giải quyết được nó là cách hay để lấy lòng cấp trên.
2. Luôn thể hiện giá trị của mình với công ty
Nếu bạn yêu cầu được hưởng bất cứ điều gì, từ thăng chức, đổi vị trí hay lên lương, ít nhất hãy cho cấp trên thấy rằng việc đó sẽ lợi ra sao với doanh nghiệp và cấp trên của bạn.
Chuyên gia Robin Dreeke từng chia sẻ với Business Insider rằng đôi khi, làm việc giỏi chưa đủ để khiến người khác muốn giữ chân bạn. Nếu bạn muốn sếp quý trọng mình, bạn sẽ phải chứng minh mình quan trọng như thế nào với thành công cá nhân của sếp và thành công chung của công ty.
3. Tùy chỉnh cách giao tiếp cho phù hợp với sếp
Một lần nữa, nhiệm vụ của bạn là giúp công việc của sếp bạn trở nên trôi chảy hơn. Giáo sư Michael Watkins từng viết trên tờ Harvard Business Review rằng việc tìm hiểu cách thức giao tiếp mà cấp trên thích phụ thuộc vào bạn. Cấp trên có thể thích dùng Slack, dùng email hoặc trò chuyện trực tiếp và bạn là người cố gắng chiều lòng cấp trên.
|
4. Xin lời khuyên
Bạn có thể ngại hỏi sếp, song nghiên cứu từ Harvard Business School gợi ý rằng việc xin lời khuyên không khiến bạn trông khờ khạo, mà có thể là cách khiến bạn có vẻ có năng lực hơn.
tin liên quan
Thói quen 'chặn thời gian' giúp bạn dễ thành công hơnMột ý nhỏ cần lưu ý ở đây là bạn nên xin lời khuyên của họ, thay vì ý kiến. Nhà tâm lý học Robert Cialdini cho biết hỏi xin lời khuyên tạo ra mối quan hệ đối tác giữa bạn và sếp, khuyến khích họ ủng hộ ý tưởng của bạn hơn. Ngược lại khi bạn hỏi xin ý kiến, sếp có thể lùi lại một bước và trở thành người đánh giá khách quan hơn.
5. Đi làm sớm
Nghiên cứu từ Michael G. Foster School of Business thuộc Đại học Washington cho thấy rằng các nhân viên đến văn phòng sớm thường được quản lý nhận biết và xếp hạng hiệu suất hoạt động cao hơn những người hay đi làm trễ. Thêm vào đó, một khi đi làm trễ, chuyện ở lại ngoài giờ làm việc cũng ít có hiệu quả trong việc gây ấn tượng với sếp.
6. Làm đúng ý sếp
Bạn nên tìm hiểu những gì cấp trên thực sự quan tâm và đảm bảo rằng mình làm được hoặc đem đến cho họ những điều đó. Nhà sáng lập kiêm CEO Dave Kerpen của hãng phần mềm Likable Local chia sẻ: “Đó là chuyện giúp người quản lý của bạn trông tuyệt hơn trong mắt sếp của họ. Bằng cách này, bạn cũng dễ thành công hơn”. Kerpen khuyên rằng nhân viên nên trực tiếp hỏi sếp hoặc tự tìm ra vấn đề mà cấp trên quan tâm.
7. Chú ý tiểu tiết
Nếu bạn muốn định hình hình ảnh mình lớn hơn, bạn nên bắt đầu chú ý đến những điều nhỏ nhặt. CEO Hootsuite Ryan Holmes nhận định: “Ngay cả những thứ có vẻ như là trục trặc kỹ thuật nhỏ nhặt cũng có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khách hàng trong thời gian ngắn. Một nhân viên được tin tưởng nắm bắt được lỗi nhỏ sẽ nổi bật giữa đám đông”.
8. Nói “cảm ơn”
Bày tỏ lòng cảm ơn đối với phản hồi của sếp, ngay cả khi nó tiêu cực, có thể khiến họ có thiện cảm hơn với bạn. Đây là kết quả nghiên cứu thực hiện năm 2011 của Đại học Nam California.
9. Lên tiếng
Đừng giấu ý kiến của bạn với đồng nghiệp. Jenna Lyons, chủ tịch kiêm giám đốc sáng tạo hãng J. Crew Group cho biết bà khuyên nhân viên chia sẻ quan điểm của họ, bất chấp nó sai hay dở. “Tôi cảm thấy không thể nào biết được vị trí của một người nếu họ không tham gia trò chuyện. Đừng sợ trong việc đưa ra y tưởng. Chúng ta đều có ý tưởng tồi, ý tưởng hay”.
Bình luận (0)