Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 19.7 mở đầu cuộc thảo luận kinh tế cấp cao với Đại lục bằng cách than phiền về thặng dư thương mại. Đây không phải là dấu hiệu cảnh báo một cuộc chiến thương mại đang đến, song Tổng thống Trump vẫn cân nhắc liệu có nên hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc hay không. Động thái này, nếu có, sẽ kích hoạt biện pháp trả đũa từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nếu một cuộc chiến chống lại giới doanh nghiệp Mỹ xảy ra ở Trung Quốc, chín doanh nghiệp, nhân tố dưới đây sẽ đứng trước nguy cơ lớn nhất.
1. Hollywood
Các hãng phim Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn vào Trung Quốc, nơi phim ảnh nước ngoài chiếm 61% doanh thu phòng vé nửa đầu năm 2017. Trung Quốc cho phép nhập khoảng 30 phim ngoại theo cơ sở chia sẻ doanh thu và hãng phim chỉ nhận 25%. Hollywood đang muốn đạt mức nhập khẩu phim và tỷ lệ chia lợi nhuận cao hơn. Hiện các cuộc đàm phán đang diễn ra và Mỹ có thể đưa Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu hai bên không đạt thỏa thuận vào đầu năm 2018.
2. Boeing
30% doanh số mẫu Boeing 737 bán chạy nhất của nhà sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ được cho là phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc. Các đơn hàng với Đại lục của Boeing hỗ trợ 150.000 việc làm ở Mỹ. Quốc gia Đông Á sẽ cần 6.810 chiếc máy bay với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ USD đến năm 2035. Công ty Mỹ còn mở trung tâm hoàn thiện sản phẩm đầu tiên ở nước ngoài cho mẫu 737 ở Trung Quốc từ năm sau.
3. Westinghouse
Nhà sản xuất nhà máy điện hạt nhân nóng lòng với Trung Quốc, nơi họ đang kỳ vọng sẽ kết nối lò phản ứng thế hệ tiếp theo sớm nhất từ năm nay. Thành công tại Đại lục rất quan trọng với Westinghouse Electric. Nhiều nước khác có thể dùng công nghệ của Westinghouse nếu dự án ở Trung Quốc khởi động.
4. Starbucks
Nếu nổi giận, người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng nhắm đến nhiều thương hiệu Mỹ như Starbucks. Căng thẳng thương mại xuất hiện ở thời điểm đặc biệt khó khăn với hãng này khi họ sắp mở Starbucks Roastery and Tasting Room đầu tiên ngoài nước Mỹ với diện tích lớn ở Thượng Hải.
|
5. Tesla
Cuộc chiến thương mại sẽ phức tạp hóa nỗ lực mở rộng ở Trung Quốc của Tesla. Công ty đang làm việc với chính quyền Thượng Hải để sản xuất tại đây. Việc này sẽ giảm giá thành ô tô Tesla tại thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.
6. Apple
Apple thường tung ra các phiên bản iPhone mới vào tháng 9 và đang kỳ vọng mẫu iPhone 8 kế tiếp sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại thị trường lớn thứ nhì thế giới. Dù Trung Quốc chiếm 25,3% lợi nhuận của Apple hồi năm ngoái, doanh thu tại Trung Quốc của hãng này lần thứ năm liên tiếp giảm so với năm trước. Năm ngoái, Đại lục cũng buộc dịch vụ iTunes Movies và iBooks đóng cửa.
7. McDonald’s
Hãng thức ăn nhanh vẫn đang đợi chính phủ Trung Quốc thông qua thỏa thuận bán 80% cổ phần công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông cho một nhóm doanh nghiệp, trong đó có hãng Citic, với giá 1,7 tỉ USD được công bố hồi tháng 1. Hejun Vanguard Group, Hiệp hội công đoàn Hồng Kông và Hiệp hội Nhân viên ngành dịch vụ quốc tế là những đơn vị phản đối thỏa thuận này.
8. Ford
Hoạt động ở Trung Quốc của Ford Motor đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự suy giảm đột ngột trong quan hệ Mỹ - Trung. Doanh số Ford tại Đại lục hạ 7% trong nửa đầu năm nay so với cách đây một năm. Đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Đại lục phản ứng nhanh đến mức nào trước các căng thẳng địa chính trị. Doanh số Hyundai và Kia cũng hạ sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc căng thẳng về hệ thống phòng thủ tên lửa.
9. Amazon.com
Trung Quốc có thể dùng luật an ninh mạng mới để gây khó cho Amazon và nhiều hãng công nghệ Mỹ.
tin liên quan
Thêm căng thẳng thương mại Mỹ - TrungĐối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung vừa đem lại kết quả không mấy tích cực và đây là dấu hiệu cho thấy hai nước tiếp tục căng thẳng thương mại.
Bình luận (0)