9 thí sinh vào chung kết 'Chuông vàng vọng cổ'

04/09/2017 10:50 GMT+7

Đêm 3.8, vòng chung kết Chuông vàng vọng cổ diễn ra thật hào hứng tại sân khấu Đài Truyền hình TP.HCM. 9 thí sinh lọt vào vòng này đều có giọng ca và diễn xuất đầy triển vọng.

Khi thí sinh Nguyễn Văn Khởi vừa xuống câu vọng cổ, cả khán phòng đã "rúng động". Thực sự giọng ca này quá đẹp, đến nỗi giám khảo NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết phải ý kiến: “Lâu lắm tôi mới được nghe một giọng ca rất “đã”. Dùng từ “hay” chưa đủ, phải dùng từ “đã” mới đúng!”. Cả giám khảo NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn cũng khen hết lời. Giọng ngọt lịm, nhả chữ chuẩn, không chênh dây, không hụt hơi, cứ lướt đi như suối chảy. Gương mặt thí sinh lại dịu dàng, hiền hậu, hoàn toàn có thể đóng vai kép đẹp sau này. Khán giả của Chuông vàng vọng cổ hầu hết là dân sành điệu, nên cũng rất “đã” khi được nghe một giọng ca đặc sắc như thế. Bởi tiêu chí đầu tiên của giải là tìm kiếm những giọng ca đặc sắc, cho nên khi phát hiện được nhân tố như thế thì mừng lắm. Mà nhân tố ấy không nhiều, dù mỗi năm đều sàng lọc rất kỹ. Ca hay có thể rất nhiều, nhưng ca đặc sắc thì hiếm.
Thí sinh Phan Thị Hoàng Oanh là một ấn tượng kế tiếp Nguyễn Văn Khởi. Giọng ca trong trẻo, biểu cảm tốt, ngoại hình cũng đẹp, diễn xuất rất khá, đủ tiêu chuẩn làm một cô đào thương. Phạm Thị Diệu có lối vô vọng cổ quặn xuống được ban giám khảo khen ngợi. Còn Lê Kim Cương là một thí sinh nữ dũng cảm chọn trích đoạn với trang phục tơi tả, mặt mày hoá trang bầm tím, là vai một chiến sĩ cách mạng bị tù đày tra tấn. So với các bạn cùng thi đều ăn mặc lộng lẫy, hoá trang xinh đẹp, thì Kim Cương ắt bị thiệt thòi. Nhưng không ngờ cô ca diễn xuất thần đến mức lọt vào vòng trong dễ dàng. Ban giám khảo cũng nhắc các thí sinh về điểm này, là phải ca diễn bằng nội lực bên trong thì mới chinh phục được khán giả. Kỹ thuật kỹ xảo gì cũng không thể kéo người ta theo mãi được, chỉ có nội lực là sức hút mạnh mẽ nhất.
Thí sinh Phan Thị Hoàng Oanh gây ấn tượng đẹp trong trích đoạn Gương đời sáng mãi Ảnh: H.K
Ấn tượng về những anh kép triển vọng là Võ Hoàng Dư và Nguyễn Phước Dư, đều có giọng ca hay, biểu diễn tốt. Dù Nguyễn Phước Dư ca bị mẻ một chữ theo lời nhận xét của NSƯT Minh Vương, nhưng kỹ thuật này chỉnh sửa dễ dàng, và cũng bởi diễn xuất của anh khá tốt đủ gỡ lại điểm. Anh đóng vai vua Lê Thánh Tông băn khoăn day dứt trước án oan của Nguyễn Trãi, một vai đầy nội tâm, cũng không ít kịch tính, và khá đẹp trong trang phục màu trắng thanh lịch. Hầu hết những vai lịch sử đều giúp thí sinh có cơ hội biểu diễn nhiều hơn.
Theo quy định, 9 thí sinh sẽ chọn ra 7 để đi tiếp vào đêm chung kết 2. Người ở lại là Nguyễn Thị Kim Ngân và Trương Huỳnh Anh Nhi, nhưng vẫn lấy được cảm tình khán giả. Kim Ngân có giọng ca hiền lành dễ thương làm sao, nghe là có cảm tình liền, chỉ tiếc là cô chưa đúng nhịp và hơi thiếu nốt bổng cao, như lời nhận xét của NSƯT Minh Vương. Anh Nhi thì khi lên cao lại ca hơi gió, và dấu huyền xuống chưa chuẩn (nhận xét của NSND Bạch Tuyết), dù cô rất xinh xắn, gương mặt bầu bĩnh khả ái vô cùng. Thật ra những lỗi kỹ thuật này đều có thể rèn luyện được. Sau cuộc thi, chưa hẳn người bị loại đã thất bại, mà họ có thể khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm để tiếp tục theo nghề.
Chuông vàng vọng cổ là một giải thưởng chính quy của cải lương vọng cổ song song với giải Trần Hữu Trang. Sự lựa chọn nghiêm khắc qua 12 lần tổ chức (trong 12 năm) đã chứng minh được thương hiệu của giải thưởng. Nhiều thí sinh đã trở thành những đào kép chính trên sân khấu như Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Ngọc Đợi, Trần Thị Thu Vân... hoặc đắt sô hát tỉnh như Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng... Quả là một cuộc đãi cát tìm vàng đầy hào hứng của đài truyền hình và khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.