9 ứng dụng không nên cài đặt trên Android

30/01/2015 16:36 GMT+7

(TNO) Google Play, kho ứng dụng trực tuyến của các thiết bị Android, hiện có hơn 1,4 triệu ứng dụng nhưng 15% trong số đó là các ứng dụng 'vớ vẩn'. Trang công nghệ PhoneArena khuyên người dùng không nên cài đặt 9 loại ứng dụng dưới đây vào máy.

(TNO) Google Play, kho ứng dụng trực tuyến của các thiết bị Android, hiện có hơn 1,4 triệu ứng dụng nhưng 15% trong số đó là các ứng dụng "vớ vẩn". Trang công nghệ PhoneArena khuyên người dùng không nên cài đặt 9 loại ứng dụng dưới đây vào máy.

1. Các ứng dụng giúp tiết kiệm pin
Được quảng cáo là sẽ giúp tiết kiệm pin khi cài vào máy nhưng thực chất, các ứng dụng này không giúp ích được gì nhiều cho người dùng. Đa số chúng sẽ xóa tập tin batterystats.bin trên hệ thống Android, tạo một giao diện đẹp mắt nên khiến nhiều người lầm tưởng là sẽ giúp cho thời lượng dùng pin trên máy được nâng cao hơn.

2. Các ứng dụng lưu trữ chống phân mảnh
Thiết bị Android ngày nay có nhiều điểm giống với một chiếc máy tính cá nhân nên nhiều người sẽ lầm tưởng, cài quá nhiều phần mềm sẽ làm cho máy chạy chậm, dẫn đến việc cần sử dụng một ứng dụng chống phân mảnh (storage defragmenting).

Tuy nhiên, biện pháp này thực tế là không cần thiết vì ổ cứng mà smartphone đang dùng là dạng NAND flash, có cấu trúc như một ổ đĩa SSD và được tích hợp sẵn các thuật toán để tự sắp xếp dữ liệu một cách tốt nhất. Vì vậy, việc cài thêm các ứng dụng để làm điều này trên Android là một điều không cần thiết.
3. Các ứng dụng cải tiến RAM
Với lo lắng bộ nhớ RAM trên smartphone sẽ bị chiếm dụng nhiều khi chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, làm cho máy chạy chậm, thế là bạn tìm ngay một ứng dụng chuyên giải phóng RAM với hy vọng cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, trên thực tế nền tảng Android được viết ra khác với hệ điều hành Windows nên các ứng dụng khi chạy trên Android sẽ tự động được giải phóng RAM ngay sau khi tắt khỏi ứng dụng. Vì thế, việc làm này cũng không cần thiết.

4. Cảnh giác các ứng dụng quét virus giả mạo

Hiện nay, số lượng mã độc trên Android không tồn tại quá nhiều như người dùng vẫn tưởng. Nên nếu bạn đang dùng một chiếc máy chạy Android và chỉ cài các ứng dụng duy nhất từ kho Google Play thì 99% thiết bị di động của bạn vẫn an toàn.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên cài nhiều ứng dụng Android từ các nguồn gốc không rõ ràng, và muốn cài một ứng dụng bảo mật trên máy thì người dùng chỉ nên cài chương trình diệt virus từ những hãng bảo mật nổi tiếng như: AVG, Avast, Avira, Kaspersky, McAfee, Symantec.

Cũng cần lưu ý rằng, trên Google Play hiện nay cũng có rất nhiều ứng dụng giả mạo diệt virus, trong đó có cả những phần mềm tốn tiền mua về nhưng khi tải và cài đặt xong, chương trình làm việc trên máy chỉ hiển thị duy nhất chức năng xem hình ảnh mà không hề có tính năng quét virus nào cả.

5. Các ứng dụng lắc để sạc pin
Điện thoại của bạn không phải là một máy phát điện, vì thế nếu tin vào lời quảng cáo sử dụng ứng dụng rồi "lắc lắc" điện thoại sẽ làm cho máy có thêm pin thì hãy nên tránh xa chúng, vì điều này sẽ chỉ làm bạn mất thời gian mà thôi,

6. Các ứng dụng chụp X-quang (X-Ray scanners)
Camera trên điện thoại không phải là một máy quét X-quang mà chỉ là một chiếc camera chụp ảnh bình thường. Vì thế, nếu tin vào lời quảng cáo của một số ứng dụng là có thể dùng camera trên máy để quét cơ thể là thông tin hoàn toàn sai lầm.

Các ứng dụng quét X-quang hiện nay chỉ là dùng hình ảnh đánh lừa người dùng. Nhưng trong thời gian tới, khi công nghệ phát triển nhiều hơn nữa thì việc camera có khả năng quét X-quang cũng có thể trở thành sự thật.

7. Ứng dụng quét vân tay (Lie detectors)

Trên Google Play đang xuất hiện một số ứng dụng cho rằng có khả năng quét được dấu vân tay của bạn. Điều này chỉ có thể xảy ra khi smartphone của bạn được trang bị công nghệ nhận dạng vân tay. Nếu không, dù có cài đặt bất kỳ phần mềm quét vân tay nào thì cũng chẳng thể sử dụng được.

8. Ứng dụng phiên dịch tiếng động vật
Trừ khi Qualcomm hoặc Google phát triển và thương mại hóa công nghệ nhận dạng giọng nói động vật và tích hợp chúng vào smartphone, thì bạn mới nên tin vào các công nghệ độc đáo này.

Thực tế, trên Google Play đang xuất hiện khá nhiều các ứng dụng với lời "hứa" là có thể giúp bạn giải mã được ngôn ngữ của động vật. Nếu tin vào lời quảng cáo này, bạn sẽ hối hận và mất thời gian tiến hành cài đặt rồi gỡ bỏ chúng ra khỏi máy.

9. Các ứng dụng tăng tốc kết nối internet
Thực tế, tốc độ kết nối internet trên máy của bạn nhanh hay chậm đa số đều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng hoặc mạng kết nối mà bạn đang tham gia. Vì thế, việc cài thêm các phần mềm với lời hứa sẽ cải thiện các thuật toán trên máy, để giúp cho thiết bị Android có tốc độ lướt web nhanh hơn là việc làm không cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.