Từ chỗ quen biết, tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên World Music tại Đại học Quốc gia Úc) đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu cổ liên quan đến âm nhạc Việt Nam (gần 100 năm trước hoặc hơn thế nữa) mà anh đã phát hiện được ở các bảo tàng bên Pháp, trong đó có cuộc lưu diễn xuất ngoại đầu tiên của cải lương Nam bộ vào năm 1931 - cách đây tròn 90 năm.
Cô Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906 tại Mỹ Tho trong một gia đình có 11 người con. Ông bố (tên Công) đã lấy tên mình ghép vào tên các con thành 3 câu thành ngữ: Công Thành Danh Toại - Phỉ Chí Nam Nhi - Bia Truyền Tạc Để. Bà là chị ruột NSND Bảy Nam (mẹ ruột nghệ sĩ Kim Cương) và là người dẫn dắt nghệ sĩ Kim Cương vào nghề.
Cô Năm Phỉ qua đời tại Sài Gòn ngày 2.6.1954 vì bệnh tai biến mạch máu não, hưởng dương 48 tuổi.
|
|
Theo tài liệu của tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên, báo chí Pháp thời đó đã đổi tên tuồng Xử án Bàng Quý Phi thành La Favorite (Sủng phi). Với tựa đề Những giọt nước mắt của Sủng phi, báo L’Intransigeant ngày 25.6.1931 mô tả vai trò của từng nhân vật trong cốt truyện bi thương từ đầu đến đoạn kết... Một tháng sau, nhật báo Le Figaro - tờ báo lâu đời nhất của Pháp - đã đăng tường thuật toàn bộ chi tiết tuồng Sủng phi bằng một cái tên đầy đủ La Favorite du Roi (Sủng phi của vua). Tác giả Gérard d’Houville ca ngợi đoàn Phước Cương, đặc biệt là cô Năm Phỉ, và đưa ra những cảm nhận: “Thật là kinh ngạc! Các diễn viên của vở bi kịch đã diễn với trạng thái thật mạnh mẽ, bằng kỹ năng và sự trang nhã… Các diễn viên, chúng tôi không biết tên, là tài năng lớn. Cô diễn viên trẻ tuổi đã phô diễn một nghệ thuật làm kinh ngạc để cầu xin vua mà cô đã phản bội, nhưng cô tôn thờ, và cô chết với sự chịu đựng khắc kỷ và đúng đắn của một trang nhã hoàn toàn Đông phương”.
Một phát hiện đặc biệt nữa là tuồng cải lương Xử án Bàng Quý Phi được truyền thông Paris so sánh với vở bi kịch kinh điển Bérénice của Jean Racine (nhà biên kịch hàng đầu của Pháp thế kỷ 17). Báo L’Ouest-Éclair đăng hình chụp một cảnh trên sân khấu với diễn viên đoàn Phước Cương và chú thích là buổi trình diễn Bérénice ở An Nam. Ký giả Douglas d’Estrac của L’Intransigeant thì thương mến gọi cô Năm Phỉ là “Bérénice An Nam bé nhỏ đáng thương” và kép Bảy Nhiêu trong vai vua Nhơn Tôn là “Titus của phương Đông”.
Trong khi đó, nhà phê bình André Delacour so sánh cô Năm Phỉ với diễn viên huyền thoại Julia Bartet của Pháp. Ông nhận xét: “Các diễn viên rõ ràng là một chủng tộc khác, ngôn ngữ họ thì chúng tôi không hiểu được… nhưng trang trí sân khấu, phân cảnh bố cục và trang phục của họ làm chúng tôi bất ngờ, dẫn dắt chúng tôi có một cái nhìn vừa chính xác vừa thơ mộng của miền Viễn Đông”.
Báo quốc ngữ trong nước cũng tường thuật việc truyền thông Pháp ca ngợi cô Năm Phỉ. Tờ Ngọ Báo Hà Thành ra ngày 2.7.1931 viết: “Báo Comédia kêu cô Năm Phỉ là một cô đào rất tài tình, có những điệu bộ đến nỗi muốn dắt người đem đi đâu cũng được cả”. Tờ Phụ Nữ Tân Văn số ra ngày 16.7.1931 với đầu đề Cô Năm Phỉ được tiếng khen ở Paris có đoạn: “Ai cũng biết nhân cuộc đấu xảo thuộc địa ở Paris mà gánh hát Phước Cương và cô Năm Phỉ được chính phủ bên này cho qua, phô bày cái nghệ thuật diễn kịch của ta cho thiên hạ bên ấy biết. Cách đây vài tuần lễ, bạn đồng nghiệp Công Luận đăng tin rằng cô Năm Phỉ được báo giới ở Paris khen ngợi lắm”, đồng thời báo này còn so sánh cô Năm Phỉ với Sada Yakko và Kanako là đào hát danh tiếng ở nước Nhật lúc ấy.
Trong Hồi ký 50 năm mê hát, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Năm 1926, gánh Phước Cương lên hát rạp Sài Gòn: kép Bảy Nhiêu làm Tống Nhơn Tôn, cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quý Phi hay đến nỗi Chính phủ gởi cả đôi sang Pháp diễn tại Paris dịp đấu xảo năm 1931, ăn khách suốt mấy tháng trường, tuy khán giả Lang sa không hiểu nổi một câu bịn rịn hay câu vọng cổ mùi và chỉ hiểu qua màu bộ tịch của đào kép”. Chuyến đi “mang chuông sang đánh xứ người” này không hổ thẹn cho nữ giới Việt Nam”.
Theo tài liệu của Nguyễn Phúc Nghiệp thì chỉ riêng lần lưu diễn này cô đào Năm Phỉ đã nhận được 4 huy chương, 186 bức thư và 1.008 danh thiếp của khán giả, 167 kiểu ảnh chụp, 42 bài báo ca ngợi và 230.000 đồng tiền thù lao (thời đó tương đương hàng ngàn lạng vàng). Sau 6 tháng lưu diễn ở Pháp, đoàn Phước Cương còn được hoàng hậu Hà Lan mời sang hát tại hoàng cung 15 ngày đêm. Sau gần một năm lưu diễn ở nước ngoài, đoàn trở về Bắc, đi lưu diễn từ Hà Nội cho đến Sài Gòn.
Bình luận (0)