Tổn thất gần 300 tỉ đồng/ngày vì TNGT
Theo nghiên cứu của TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức, mất an toàn giao thông là một nhược điểm, thách thức lớn nhất đối với giao thông xe máy. Xe máy, gồm cả xe máy điện, là phương thức có tỷ lệ hành khách bị tử vong do TNGT cao nhất.
Ở các thành phố lớn, xe máy liên đới trên 60% tổng số vụ TNGT, va chạm chủ yếu xảy ra với chính xe máy, xe tải, xe ô tô con, người đi bộ. Các hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy gây ra tới 70-80% các vụ tai nạn. Phỏng vấn chuyên sâu cho thấy, khoảng 14% người điều khiển xe máy không có bằng lái, trên 70% hổng kiến thức về luật Giao thông đường bộ và cách ứng xử an toàn trên đường.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, ngoài các yếu tố hành vi, thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông bất cập trên đường cũng gây nguy cơ TNGT cao đối với người đi xe máy (ví dụ các đoạn đường có nhiều xe tải, container, trường học, hàng quán, ngõ hẻm dọc hai bên và tại các nút giao không có đèn tín hiệu).
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết những năm qua, mặc dù VN đã kiềm chế được tai nạn giao thông (TNGT), nhưng trật tự an toàn giao thông vẫn rất phức tạp, trong khi việc kéo giảm TNGT chưa thật bền vững, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao, tổn thất về TNGT vẫn rất lớn. “Mỗi năm, TNGT ở VN gây tổn thất gần 115.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 300 tỉ đồng/ngày”, ông Hùng cho hay.
Một thống kê khác của Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, trong số 13.242 vụ TNGT trong 9 tháng đầu năm, có tới gần 70% số vụ do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra. Đặc biệt, gần 90% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy.
Xây dựng chiến lược an toàn
Đáng nói, xe máy vẫn đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi người dân VN và được dự báo tiếp tục vai trò chủ đạo đến năm 2030. Ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM có điều kiện phát triển hệ thống giao thông công cộng, tại các địa phương còn lại trên cả nước, xe máy vẫn là lựa chọn tối ưu của người dân, trong khi ý thức của người tham gia giao thông tại VN còn hạn chế. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất lớn.
Trong khi đó, không hiếm để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy, từ nam thanh niên, phụ nữ, thậm chí người có tuổi, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không đội MBH.
Theo TS Vũ Anh Tuấn, kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nhiều xe máy ở châu Á, cho thấy để nâng cao ATGT xe máy toàn diện, lâu dài, cần xây dựng môi trường với các điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn, thông qua Khung chiến lược ATGT XM.
2018 là năm thứ 4 liên tiếp Ủy ban ATGT Quốc gia đồng hành và hợp tác cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN (VAMM) triển khai hàng loạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, thực hành và nghiên cứu về ATGT trên toàn quốc, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề an toàn giao thông tại VN.
Thông qua hoạt động này, Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, góp phần hình thành ý thức và thói quen điều khiển xe máy một cách an toàn trên phạm vi toàn quốc, góp phần giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy, nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
Trong 4 năm qua, gần 250.000 MBH đạt chuẩn đã được Ủy ban ATGT quốc gia trao tặng đến các em học sinh, công nhân… với mong muốn trang bị MBH đảm bảo chất lượng, nâng cao hơn nữa ý thức của người đi xe máy trong nỗ lực tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.
Bình luận (0)