900 năm sông chảy lên đồng

31/01/2022 06:37 GMT+7

Sông thì chảy về biển nhưng ở Ninh Thuận , sông đã chảy lên đồng từ 900 năm trước. Tôi muốn nói đến con đập Nha Trinh ngăn sông Cái - một công trình thủy lợi kỳ vĩ nhất của Vương quốc Champa thế kỷ 12.

Ngày nay, ngăn những con sông “hỗn nước” nhất để hình thành các công trình thủy lợi như Thạch Nham trên sông Trà (Quảng Ngãi) hoặc sông Đà (Hòa Bình) là chuyện bình thường, vì máy móc đã gánh cho con người phần lớn công việc nặng nhọc nhất, nhưng vào thế kỷ 12 mà ngăn sông Dinh như người Chăm đã làm ở Ninh Thuận thì thật vĩ đại. An dân để củng cố vương quyền bền lâu là cách mà các đấng quân vương thời phong kiến luôn nhắm tới, nhưng vỗ an bá tánh bằng một công trình thủy lợi như đập Nha Trinh trên sông Cái ở Ninh Thuận thì chỉ có một.

Vua Po Klong Garai (Shinhavarmen II), một kiến trúc sư trên nhiều phương diện, là tác giả của công trình “dẫn thủy nhập điền” kỳ vĩ này.

Kênh Nam thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh

Sơn Ngọc

Quanh năm khát nước

Cứ qua Tết âm lịch chừng một tháng, nhìn những đàn cừu di trú về các vũng nước hiếm hoi sót lại sau mùa mưa ở ao hồ là biết mùa khô hạn khốc liệt sắp bắt đầu ở vùng đất này.

Do đặc điểm về địa hình nên lượng mưa trung bình hằng năm ở Ninh Thuận chừng 600 - 700 mm. Các con sông nơi đây phần lớn đều ngắn nên chảy dốc, chỉ cần dứt mưa là bao nhiêu nước trôi tuột ra biển, bỏ lại những dòng sông trơ đáy. Sông Cái, hay còn gọi là sông Dinh - con sông lớn nhất tỉnh Ninh Thuận, dài khoảng 130 km, bắt nguồn từ dãy núi E Lâm Thông tiếp giáp với Lâm Đồng cũng mang đặc điểm như thế.

Trước sự khắc nghiệt của một vùng đất vốn không được thiên nhiên ưu đãi, những cư dân Panduranga thuở xưa và Ninh Thuận hôm nay đã biết cách để tồn tại, như chọn một số loài cây chịu hạn để trồng, lựa những con vật biết cách chịu khát để nuôi. Nhưng cách mà chủ nhân của Vương quốc Champa thế kỷ 12 chọn lựa thì ưu việt nhất, đó là ngăn sông Cái để đưa nước lên đồng. Giải hạn cho những cơn khát bên dòng sông Cái từ gần 900 năm trước bằng công trình thủy lợi mang tên Nha Trinh đã thành kỳ tích để dân Chăm phủ lên nó bao nhiêu huyền thoại.

Những vườn nho trĩu quả được hưởng nước từ đập Nha Trinh

Thiện Nhân

Nhìn xuyên thiên niên kỷ

Ông Phạm Quang Lộc, Giám đốc Ban 7 (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), một kỹ sư thủy lợi từng in dấu chân của mình lên khắp các công trình ngăn sông “sừng sỏ” dọc miền Trung, nói rằng họ - tức các nhà thiết kế và xây dựng đập Nha Trinh vào thời vua Po Klong Garai (1151 - 1205) - đã có cái nhìn xuyên thiên niên kỷ và sẽ còn dài lâu hơn nữa.

Sông Cái dài 130 km, nhưng vì sao nhà vua Po Klong Garai lại chọn địa điểm Nha Hố để xây đập Nha Trinh? Ông Dương Tấn Ngọc, một kỹ sư thủy lợi có 30 năm gắn bó với các công trình “đưa nước lên đồng” ở Ninh Thuận, lại là một người Chăm chính hiệu, phân tích: “Sông Cái qua chỗ Nha Hố này độ dốc không lớn, nước tương đối lặng hơn các quãng sông khác. Chọn chỗ nước ít chảy xiết là để con đập không phải đương đầu trực diện với dòng chảy mỗi mùa lũ lớn. Tuổi thọ của con đập phụ thuộc phần lớn vào việc chọn chỗ để xây dựng như thế này. Vì thế, Nha Hố là vị trí ưu tiên số 1 trên sông Cái để làm đập ngăn sông”.

Theo ông Ngọc, truyền thuyết kể lại rằng, trước sự khốc liệt của hạn hán, nhà vua bèn họp quần thần kêu gọi hiến kế. Ngăn sông Cái để đưa nước lên đồng là “kế” được chọn. Một hôm, nhà vua sai người kết bè chuối lại và thả trôi sông. Bè chuối đến đoạn Nha Hố thì… dập dềnh dừng lại rồi chìm, và “mọc” lên con đập Chakling (Chakling là tiếng Chăm, người Kinh đọc thành Nha Trinh) như chúng ta thấy ngày nay.

Còn chính sử thì nói, nhà vua Po Klong Garai đã giao cho vị cận thần Po Klong Kasait - một công trình sư hàng đầu về thủy lợi của nước Champa lúc bấy giờ, thiết kế và chỉ đạo toàn bộ việc xây đập Nha Trinh. Po Klong Kasait đã có cái nhìn xuyên thiên niên kỷ bằng con đập kỳ vĩ này. Bằng chứng là vào năm 1889, trong chương trình tu bổ lại các hồ đập ở Ninh Thuận, người Pháp đã quyết định dời đập Nha Trinh về phía thượng nguồn, cách đó 50 m, chỗ nước sâu và xoáy hơn vì cho rằng vị trí đó không còn phù hợp nữa. Chỉ đúng một năm, con đập bằng bê tông tưởng như vững chắc ấy chỉ còn trơ bộ khung sau một mùa lũ! Người Pháp phải quay lại vị trí con đập cũ mà người Chăm đã chọn để tu bổ, gia cố lại.

Kênh Chàm và mương Nhật

Không có số liệu nói người Chăm đã đưa bao nhiêu hòn đá tảng nặng hàng tạ, tốn bao nhiêu vạn ngày công để hình thành con đập dài gần 400 m này. Chỉ biết rằng, những hòn đá khá vuông vức được xếp chồng lên nhau cao 3 m, rộng 5 m, dưới chân đập có nhiều cây phun chai - một loài cây thường sống trong lòng các con sông, rễ bám rất chắc vào đá và chịu đời trước tất cả các trận cuồng lưu mỗi mùa lũ dữ.

Đập Nha Trinh đưa nước lên đồng qua hai kênh chính của hai bờ tả - hữu sông Cái. Riêng ở bờ nam qua huyện Ninh Phước, đến làng Phước An, con kênh lại tiếp tục chia hai nhánh. Nhánh kênh phía bắc gọi là kênh Chàm, còn kênh phía nam gọi là mương Nhật. Năm 1964, trong chương trình bồi thường chiến tranh, trước khi đào thêm một con kênh khác thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh ở vùng Ninh Phước, các kỹ sư người Nhật đã tham khảo nhiều tài liệu cổ và tham vấn ý kiến của các cụ cao niên người Chăm rồi đi đến quyết định đào kênh dẫn nước theo chính “thiết kế” mà người Chăm đã đào dở dang từ gần 900 năm trước. Vì vậy, dòng kênh phía nam này được gọi mà mương Nhật, còn kênh ở phía bắc gọi là kênh Chàm.

Dù là kênh Chàm hay mương Nhật gì thì cũng dẫn nước từ đập Nha Trinh của sông Cái để tưới tắm cho những cánh đồng luôn khát nước ở vùng đất quanh năm khô cháy này. Trên 12.000 ha đất canh tác với đủ loại cây trồng được thừa hưởng dòng nước mát lành từ những dòng kênh tự chảy ấy.

Những ruộng thuốc lá mướt xanh giữa ngày hè, những vườn nho trĩu quả, những cánh đồng lúa rập rờn trong nắng hạ… tất cả như muốn nói với du khách rằng, suốt 9 thế kỷ qua, nước sông Cái qua đập Nha Trinh luôn là bạn đồng hành với chúng.

Tạc ghi công đức của vị vua anh minh, biết lo cái lo trước thiên hạ, biết vui với niềm vui cùng bá tánh, hậu sinh đã đặt tên ông cho ngọn tháp Chăm hùng vĩ trên núi Trầu: Tháp Po Klong Garai.

Làm vua, thay vì để lại lăng tẩm, nên để lại những công trình mang lại mùa vui cho hậu thế như vua Po Klong Garai. Thật kính ngưỡng biết bao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.