99% những bộ sạc Apple giả mạo đều rất nguy hiểm

03/12/2016 10:58 GMT+7

Một thử nghiệm quy mô lớn trên 400 bộ sạc giả mạo của Apple đem đến một kết quả đáng kinh ngạc, khi 99% phụ kiện đều thất bại trong bài kiểm tra an toàn.

Theo 9to5mac, thử nghiệm được thực hiện bởi cơ quan Tiêu chuẩn thương mại Anh (Chartered Trading Standards Institute - CTSI) dưới sự giám sát của các chuyên gia giám định UL. Đây là công ty lớn nhất thế giới về việc cung cấp giấy phép, các chứng nhận an toàn cho những thiết bị sử dụng trên thị trường.
Các chuyên gia đã tiến hành sốc điện các bộ sạc với điện áp cao hơn so với các nhu cầu bình thường để kiểm tra độ an toàn trong quá trình sạc và sử dụng. Tuy nhiên trong 400 thiết bị, chỉ 3 trong số đó vượt qua bài kiểm tra an toàn này, đồng nghĩa 99% sẽ rất nguy hiểm có thể gây nên những nguy cơ cháy nổ. Các bộ sạc trong thí nghiệm được mua từ các trang thương mại điện tử ở 8 quốc gia chủ yếu từ Mỹ, Úc và Trung Quốc.
Các chuyên gia CTSI kêu gọi người dùng chỉ nên mua các sản phẩm điện tử đã được kiểm nghiệm hay từ các nhà cung cấp có uy tín. Dù chi phí các phụ kiện này sẽ cao hơn đôi chút nhưng đảm bảo sự yên tâm trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, cơ quan này cũng cung cấp 4 lời khuyên cho người sử dụng khi mua bộ sạc mới:
- Hãy cắm sạc vào ổ cắm nhưng không bật hoặc kết nối với thiết bị. Nếu bộ sạc không khớp với ổ cắm, các chân này có thể đã sai kích thước. Một chân cắm sạc tiêu chuẩn có khoảng cách ít nhất 9,5 mm giữa các cạnh của chân cắm và cạnh của bộ sạc
- Hãy tìm tên của nhà sản xuất thương hiệu hay logo, tên mẫu sản phẩm và số lô. Kiểm tra các dấu hiệu an toàn như CE, FCC và UL nhưng lưu ý chúngcũng có thể dễ dàng bị giả mạo.
-  Các hướng dẫn sử dụng nên có các điều kiện và tình huống hạn chế sử dụng bộ sạc, cách thức vận hành bộ sạc một cách an toàn, hướng dẫn về an toàn điện cơ bản và chi tiết về xử lý an toàn.
- Không bao giờ sử dụng một bộ sạc có dây cáp bị sờn hoặc các hư hỏng có thể nhìn thấy khác.
Apple gần đây đã tiến hành các thử nghiệm riêng trên nhữngbộ sạc bán trên Amazon và kết quả gần 90% trong số đó là giả mạo. Amazon đã thành lập chương trình Brand Registry mới đòi hỏi người bán hàng phải nhận được sự cho phép chủ sở hữu thương hiệu trước khi có thể bán hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.