9X 'chinh phục' đông trùng hạ thảo

Mạnh Cường
Mạnh Cường
03/01/2019 07:31 GMT+7

Chàng cử nhân 9X học ngành thể dục - thể thao ở Quảng Nam đã nghiên cứu và nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

Tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao TP.HCM vào năm 2017, Nguyễn Thành Luận (26 tuổi, ở thôn Phú Bình, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng muốn tìm công việc đúng chuyên ngành. Nhưng rồi chuyện nghiên cứu và nuôi trồng đông trùng hạ thảo đến với anh như một cơ duyên. Một lần đọc trên báo thấy mô hình nuôi trồng dược liệu này, Luận đã mạnh dạn nhập khẩu giống về thử nghiệm. Tất nhiên, loại dược liệu chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, nhiều công dụng song lại khó nuôi trồng trong điều kiện khí hậu nước ta.

Luận đầu tư máy móc, thiết bị, con giống (với kinh phí gần 100 triệu đồng) và biến tầng hai nhà mình thành phòng thí nghiệm. Song chỉ nuôi trồng vài tháng, số đông trùng hạ thảo đã... nhiễm bệnh chết. Anh nhận ra mình chưa có kinh nghiệm thực tế sản xuất bên ngoài, khi đưa vào phòng thí nghiệm rất khó, nhiệt độ cũng không đạt chuẩn...
Cuối cùng những con giống đầu tiên cũng dần hình thành trong niềm sung sướng khó tả của Luận. “Cấy giống là khâu quan trọng, nó quyết định thành công hay thất bại của việc nuôi trồng. Trước khi cấy cần lưu ý khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong giá thể. Sau 60 - 70 ngày sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện”, Luận cho biết.
Đông trùng hạ thảo khó nuôi trồng, chúng thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm (độ cao trung bình hơn 4.000 m so với mực nước biển), đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển. Để vượt qua trở ngại ban đầu về nhân giống, Luận chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Anh cũng lấy dịch lỏng (được pha chế từ gạo lứt, bắp, khoai tây...) cấy giống nấm trên giá thể. Khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C và độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều, phủ kín bề mặt. Chuyển sang xử lý tại phòng kín phải giữ nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Khi chuyển sang phòng nuôi, phải đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C và độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch...
Sau một thời gian kiên trì nghiên cứu, nuôi trồng, mới đây Luận đã gặt hái được quả ngọt đầu tiên với khoảng 1,5 kg. Ngoài việc phơi, sấy khô sản phẩm, anh còn chế biến thành thực phẩm chức năng giúp mọi người dễ sử dụng hơn với giá 1,5 triệu đồng/hũ (gồm 30 gr đông trùng hạ thảo và 30 gr tinh bột nghệ tươi). Số còn lại, anh dùng để ngâm rượu phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, giá bán 400.000 đồng/chai 0,5 lít. “Khó khăn lớn nhất bây giờ là đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Giá thành cao, trong khi hàng thật - giả lẫn lộn, muốn đưa hàng đến với số đông khách hàng thì cần khẳng định chất lượng”, Luận tâm sự. Anh cũng đang ấp ủ ý định nhân rộng mô hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.