A-12 Avenger II & cuộc chiến pháp lý

03/06/2011 15:22 GMT+7

(TNTS) Ngày 23.5.2011, Tòa án tối cao Mỹ bất ngờ đưa ra quyết định khi không công nhận phán quyết của tòa án các cấp dưới liên quan đến vụ việc ngừng dự án thiết kế máy bay tiêm kích A-12 Avenger II. Cần nhắc lại rằng, chính vì việc này mà hãng Boeing, tập đoàn General Dynamics và Bộ Quốc phòng Mỹ đã tranh cãi tại tòa án, đòi bồi thường hàng tỉ USD suốt 20 năm nay.

Dự án bất thành

Năm 1983, hải quân Mỹ có nhu cầu thiết kế sản xuất chiếc tiêm kích mới, để đến năm 1994 sẽ thay thế chiếc Grumman A-6 Intruder, được biên chế từ năm 1963. Chiếc tiêm kích mới này sẽ ứng dụng "công nghệ tàng hình". Hợp đồng thiết kế loại máy bay mới được ký vào năm 1984 với liên hiệp McDonnell Douglas/General Dynamics và Northrop/Grumman/Vought (năm 1994 sáp nhập thành Tập đoàn Northrop Grumman).

Đến năm 1986 lực lượng hải quân Mỹ ký thêm thỏa thuận với các liên hiệp về hình thức đấu thầu và năm 1988 liên hiệp McDonnell Douglas/General Dynamics thắng thầu. Liên hiệp này ký hợp đồng giá trị 4,8 tỉ USD nhận thiết kế chiếc tiêm kích A-12 Avenger II. Theo kế hoạch ban đầu, năm 1990 chuyến bay đầu tiên của A-12 sẽ được thực hiện. Trên mẫu thiết kế A-12, hàng loạt tiêm kích sẽ ra đời và hải quân Mỹ dự tính sẽ mua 620 chiếc, lực lượng lính thủy đánh bộ mua 238 chiếc và không lực Mỹ là 400 chiếc. Tổng giá trị từ thiết kế đến sản xuất hàng loạt vào khoảng 50 tỉ USD (tính theo đơn giá 84 triệu USD/chiếc A-12). Loại tiêm kích mới sẽ có hình dáng tam giác, ca-bin dành cho phi công nằm ở phía trên đỉnh.

 

 Mô hình thiết kế chiếc A-12 Avenger II 

Loại A-12 dự tính sử dụng 2 động cơ phản lực F412-GE-D5F2, cánh gập với tốc độ bay 930 km/giờ, tầm bay 1.500 km. Khoang bên trong máy bay  sẽ chứa bom, còn bên ngoài là 2 trái tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, 2 tên lửa loại AGM-88 HARM cũng như hàng loạt tên lửa tự hành, bom định vị với tổng trọng lượng là 2,3 tấn.

Trong quá trình thực hiện dự án, McDonnell Douglas và General Dynamics đã gặp phải hàng loạt khó khăn. Trong đó trọng lượng máy bay nặng hơn 30% so với tính toán ban đầu, rồi sử dụng vật liệu tổng hợp khi đưa ra hình mẫu đầu tiên và cả hệ thống radar cũng trục trặc. Hằng tháng, chi phí để nghiên cứu, thiết kế "ngốn" khoảng 120 - 150 triệu USD. Kết quả là giá một chiếc máy bay bị đội lên con số 165 triệu USD, còn thời hạn chuyến bay đầu tiên bị kéo dài đến năm 1992.

 Do gặp nhiều trắc trở, nên vào tháng 12.1990, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Dick Cheney yêu cầu lãnh đạo hải quân Mỹ đưa ra những lý do thuyết phục để dự án A-12 tiếp tục được thực hiện. Song phía hải quân đã không thể làm theo yêu cầu nên ngày 7.1.1991, dự án bị đóng lại. Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đòi McDonnell Douglas và General Dynamics hoàn trả cho hải quân Mỹ 1,35 tỉ USD đã chi ra để hoàn thành hợp đồng mà họ không có khả năng thực hiện. Từ năm này cuộc chiến pháp lý giữa hai bên bắt đầu diễn ra.

Đã không có một hình mẫu nào của A-12 được sản xuất và việc thua lỗ trong thiết kế là một trong những nguyên nhân chính để McDonnell Douglas sau đó bị hãng Boeing thôn tính. Vì thế, chính Boeing là đại diện hợp pháp của McDonnell Douglas tại tòa án.

 


 F-117 Night Hawk và B-2 Spirit, hai loại máy bay ứng dụng công nghệ tàng hình - Ảnh: Wikipedia

Bất phân thắng bại

Trong khi được nhận 2,68 tỉ USD từ Chính phủ Mỹ, tổng chi phí mà liên hiệp McDonnell Douglas/General Dynamics chi ra để hiện thực hóa dự án  A-12 là 3,88 tỉ USD. Vì thế phía chính quyền đòi liên hiệp này phải trả lại 1,35 tỉ USD do hợp đồng không hoàn tất. Còn phía McDonnell Douglas và General Dynamics lại kiện lên tòa án liên bang đòi hải quân Mỹ phải trả 1,2 tỉ USD vì đóng dự án không có lý do chính đáng.

Quan điểm của phía hải quân Mỹ là cả hai hãng đều không hoàn thành các yêu cầu của dự án với hợp đồng được ký theo giá cố định và thời hạn định sẵn. Có nghĩa là McDonnell Douglas và General Dynamics buộc phải thiết kế sản xuất chiếc tiêm kích không vượt quá 4,8 tỉ USD và phải cung cấp cho quân đội loại tiêm kích mới không muộn hơn năm 1994. Do những yêu cầu này không đáp ứng nên hải quân Mỹ buộc phải đóng dự án và hủy hợp đồng.

Về phía mình, McDonnell Douglas và General Dynamics khẳng định, theo điều kiện hợp đồng, hải quân, không quân và Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải để cho họ tiếp cận công nghệ tàng hình đã ứng dụng trong sản xuất chiếc tiêm kích F-117 Night Hawk và máy bay ném bom B-2 Spirit. Thế nhưng công nghệ này lại không được chuyển giao nên liên hiệp này không thể hoàn thành hợp đồng. 

Việc phân xử kéo dài vài năm, vì để phân định đúng sai tòa án phải xem xét kỹ các hồ sơ của vụ việc và cũng cần phải tiếp cận các tài liệu tuyệt mật của công nghệ tàng hình. Song, vào năm 1993, tòa án nhận văn bản từ không lực Mỹ là không thể cung cấp tài liệu công nghệ tàng hình vì đây là bí mật quốc gia. Do vậy tòa án liên bang đành phải phân xử với một số lượng ít ỏi chứng lý.

 
Grumman A-6 Intruder loại theo tính toán sẽ được thay thế bởi A-12

Đến năm 1996, Tòa án liên bang Mỹ cấp sơ thẩm công nhận McDonnell Douglas và General Dynamics đúng và ra phán quyết phía quân đội phải bồi thường 1,2 tỉ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ kháng án lên tòa án phúc thẩm và đến năm 2009 phán quyết của cấp sơ thẩm bị bác bỏ. Tòa phúc thẩm ra phán quyết Boeing (hãng tiếp nhận McDonnell Douglas) và General Dynamics phải trả cho hải quân Mỹ 1,35 tỉ USD chi phí cho dự án A-12 và 1,65 tỉ USD do kéo dài hợp đồng từ năm 1991.

Boeing và General Dynamics kháng án lên tòa án tối cao vào cuối năm 2010. Tòa án tối cao đã tuyên hủy các quyết định của các cấp tòa nêu trên, nhưng cũng không đứng ra phân xử vì "không có khả năng tiếp cận các tài liệu vì phía Chính phủ Mỹ từ chối cung cấp". Tựu trung cả hai phía không được đòi tiền bồi thường và "giữ nguyên hiện trạng". Nếu không đồng ý thì sẽ đưa nhau ra tòa án liên bang để phân xử… lại từ đầu.

Phản ứng trước quyết định của tòa án tối cao Mỹ, phía Boeing cho đó là công bằng và tuyên bố mình thắng cuộc, còn Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có bình luận gì. Nếu hai bên lại tiếp tục kiện cáo thì không biết vụ việc sẽ kéo dài trong bao lâu nữa. Theo lời quan tòa Antonin Scalia của tòa án tối cao thì việc không có trong tay các tài liệu về công nghệ tàng hình sẽ khiến tòa các cấp không thể ra phán quyết một cách chính xác và "các bên kiện tụng phải nhận thức rõ điều này".

Quả là thú vị khi số phận của dự án khác là thiết kế sản xuất chiếc tiêm kích đa năng F-35 Lightning II có khả năng sẽ lặp lại những gì đã diễn ra với chiếc A-12. Bởi dự án F-35 hiện đã chậm trễ so với kế hoạch và "ngốn" không ít tiền bạc từ ngân sách quốc phòng. Một số cơ quan quân sự Mỹ đã và đang lên tiếng đóng dự án này lại và tìm kiếm giải pháp khác với chi phí đầu tư rẻ hơn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.