Á hậu chiến đấu trên xe lăn

03/12/2017 15:31 GMT+7

Nhiều người xem Jinjutha Joonwathee như người tàn tật vì cả cuộc đời cô gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng những người bạn xem Jinjutha là cô gái phi thường. Chính bởi quyết tâm giành lấy sự sống cho bản thân mình, Jinjutha xứng đáng là tấm gương cho lớp trẻ ở đất nước chùa vàng (Thái Lan).

Jinjutha thích mọi người gọi mình bằng cái tên Jajah, tiếng gọi thân thương mà người Thái thường dùng để gọi nhau. Tháng 11.2017, Jajah đã vinh dự tham gia buổi lễ và nhận bằng tốt nghiệp của hoàng gia, một nghi lễ dành cho những sinh viên ưu tú, xuất sắc được đính thân công chúa trao bằng. Để có được tấm bằng cử nhân chuyên ngành marketing, cô gái trẻ 22 tuổi Jajah đã phấn đấu không ngưng nghỉ, “bò lên” không chỉ từ giảng đường mà còn từ xe lăn, giường bệnh và cả phòng mổ.

Jajah được vinh danh là “Người khuyết tật tiêu biểu” do Bộ phát triển xã hội và an ninh con người trao tặng hồi giữa tháng 10.2017. Ảnh: Matichon

Bị vứt bỏ vì dị tật

Ngày chào đời, Jajah bị mẹ đẻ vứt bỏ không chút tiếc thương. Ăn ở với chồng người ta, nhưng bà không cam chịu phận làm bé, kể cả đứa con trong bụng. Bà tìm mọi cách loại bỏ bào thai nhưng ông trời không chìu lòng người. Đứa trẻ vẫn sống, và được sinh ra, nhưng phải gánh chịu những hậu quả mà người đàn bà ấy đã làm. Bà không chấp nhận đứa trẻ, và đang tâm vứt nó cho người khác. Người cha cũng không kém tàn nhẫn, ông không chấp nhận đứa con dị tật. Sinh linh bé bỏng và đáng thương ấy may mắn được một người phụ nữ không chồng, con mang về nuôi.

Đứa trẻ cãi lại số mệnh đó mang căn bệnh hiểm nghèo, xương thủy tinh. Xương của Jajah mỏng manh như những mảnh thuỷ tinh dễ vỡ. Chạy nhảy và di chuyển trên đôi chân của mình chỉ là ước mơ nhưng không thể trở thành sự thật của Jajah. Gần gũi với cô có lẻ chỉ là mặt đất và mọi thứ sinh hoạt của cô không qua khỏi không gian ấy. Jajah luôn phải chịu đựng những cơn đau hành hạ đến từ những đoạn xương chéo ngoách trong cơ thể vì phát triển không theo bất kỳ trật tự nào.

Á hậu Jajah (đầu, trái qua) cùng những người chiến thắng trong cuộc thi Miss Wheelchair Thailand 2012. Ảnh: Miss Wheelchair Thailand Facebook
Jajah trải qua 34 lần phẩu thuật lớn nhỏ trong suốt 22 năm cuộc đời của mình. Giường bệnh, phòng mổ gần gũi với cô gái này hơn bất kỳ thứ gì khác. Những lần phẩu thuật là những lần cơ thể bị kẹp chặt trong những thanh nẹp kéo dài từ cổ xuống đến chân, tay. Khi ấy, ngồi trên xe lăn không khác một cuộc tra tấn thân thể đối với cô gái trẻ, thay vào đó cô chỉ có thể nằm sấp kể cả khi ăn. Jajah cho biết những cơn đau hành hạ, nhiều lần cô nghĩ đến cái chết vì không thể chịu đựng. Cô muốn kết thúc cuộc đời, chấm dứt số phận cũng là bỏ đi gánh nặng cho mẹ.

“Nhưng mỗi khi nhìn thấy mẹ và nghĩ đến sự hy sinh của bà ấy, tôi như tiếp thêm sức mạnh, không còn nghĩ đến những chuyện dại dột ấy nữa. Bà chính là động lực để tôi vượt qua những cơn đau và tiếp tục sống. Bà chịu khổ để giữ lại tôi trên cõi đời này thì tại sao tôi lại muốn bỏ đi cuộc đời mình. Tôi đang sống không chỉ cho bản mình mà cả mẹ nữa”, Jajah tâm sự với phóng viên Thanh Niên. Đối với Jajah bà ấy là người mẹ vĩ đại nhất, hy sinh gần như cả cuộc đời mình cho đứa con không do mình sinh ra nhưng rất mực yêu thương cô. Phải có tình yêu thương đủ lớn, người phụ nữ ấy mới làm được những điều phi thường cho một đứa trẻ không ruột rà, máu mủ.

Từ Á hậu cho đến ước mơ làm nhà báo

Dù cơ thể èo uột nhưng Jajah có khuôn mặt dễ nhìn, nếu không muốn nói là xinh xắn. Jajah thường nói đùa rằng cơ thể cô từ cổ trở xuống “bất thường” nhưng trở lên thì “hoàn hảo” và cô luôn dành thời gian chăm sóc cho phần “hoàn hảo” đó. Trong cuộc thi dành cho những người khuyết tật Thái Lan “Miss Wheelchair” hồi năm 2012, cô đã giành ngôi vị Á hậu, một giải thưởng xứng đáng cho cô gái trẻ có khuôn mặt khả ái.

“Mình không biết có thể sống được bao lâu nhưng mình vẫn khát khao được sống và làm việc như người bình thường
Jajah

Tuy nhiên, danh hiệu sắc đẹp không phải là điều mơ ước của cô gái trẻ Jajah. Khát khao lớn nhất của cô chính là làm báo. Từ lúc nhỏ, cô ao ước xuất hiện trên tivi và đọc những dòng tin tức. Đối với Jajah đó là công việc thú vị và hợp với tính cách thích giao tiếp của cô. Người khuyết tật thường có cảm giác bị cô lập và luôn có khát khao giao tiếp với người khác ngoài cộng đồng nhỏ bé của họ. Điều đó càng mạnh liệt hơn đối với một đứa trẻ bị chối bỏ như Jajah. Khao khát làm báo của Jajah nhiều đến mức cô quên mất rằng nghề này cần phải di chuyển nhiều trong khi cô thì không. Thực tế đó không làm cô bận tâm, thậm chí Jajah rất tự tin ứng tuyển vào ngành báo chí. Ngày phỏng vấn, xuất hiện trên chiếc xe lăn Jajah gây bất ngờ cho nhiều người nhưng khi một vị giám khảo đánh rớt vì lý do cô “thiếu chân”, lúc đó Jajah mới chấp nhận thực tế, đó là cô không thể trở thành một nhà báo.

Dù vậy, cô gái trẻ không muốn bị xem là kẻ khuyết tật về trí não. Jajah tâm sự cuộc sống của cô quá mỏng manh, không biết sống chết ngày nào, chính vì vậy cô muốn dành thời gian của mình cho việc học và quyết tâm lấy tấm bằng đại học. Jajah thừa nhận không phải là người thông minh nhưng là người ham học. Đối với cô gái trẻ này, “vẫn còn hơi thở vẫn còn học” dù biết rằng thời gian ở bệnh viện hay trong phòng mổ nhiều hơn trên giảng đường.

Jajah và mẹ nuôi. Ảnh: Matichon

Jajah cho biết cuộc sống hiện tại của hai mẹ con cô đã ổn định hơn trước, không còn vất vả như khi hai mẹ con sống chủ yếu vào những đồng thu nhập ít ỏi của mẹ. Mẹ Jajah, hơn 60 tuổi, không còn đủ sức để làm trong tiệm xoa bóp hay bưng bê trong hàng quán. Bà được giúp đỡ mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ tại nhà. Jajah đã hoàn tất việc học, cô phụ giúp bà kinh doanh hàng trên mạng. Cô nói giờ có thể tự nuôi mình và mẹ. Hàng ngày cô lên trên mạng để chào hàng và kể câu chuyện của mình. Cô bảo muốn lấy câu chuyện của cô để làm động lực cho những bạn trẻ khác, những người đồng trang lứa có số phận may mắn hơn cô. “Mình không biết có thể sống được bao lâu nhưng mình vẫn khát khao được sống và làm việc như người bình thường. Mình muốn chăm sóc cho mẹ để đền đáp công ơn của bà vì chính bà đã sinh ra mình và tạo nguồn cảm hứng sống cho mình. Mình mong các bạn cũng giống như mình”, Jajah chia sẻ trên tài khoản cá nhân.

Khi được hỏi có bao giờ nghĩ đến và hận cha mẹ đã vứt bỏ mình, Jajah cho biết cô từng nghĩ đến họ nhưng bây giờ thì không. “Tôi không biết người đàn bà đã sinh ra tôi nghĩ gì khi vứt bỏ con. Từ ngày ấy đến nay, bà chỉ gặp tôi có một lần. Tuy nhiên, tôi không bận tâm. Điều quan tâm duy nhất của tôi chính là mẹ. Tôi mong ước có thể sống lâu và lo cho bà đến cuối cuộc đời. Tôi thầm mong một ngôi nhà cho hai mẹ con. Bao nhiêu năm vì lo cho tôi bà chả có gì thậm chí một căn nhà nhỏ”, Jajah nghẹn ngào chia sẻ.

Văn phòng Bangkok

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.