Nghĩ khác để phát triển
Cách đây nhiều năm, khi nghĩ đến A Lưới, nhiều người vẫn ấn tượng đó là vùng đất xa xôi, cách trở, đời sống của đồng bào dân tộc còn nghèo nàn lạc hậu; nhưng hôm nay, ấn tượng đó được xóa tan khi chứng kiến một A Lưới đang chuyển mình với nhiều đổi thay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.A Lưới thuộc thế hệ cán bộ trẻ năng động, sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND H.A Lưới, ông Hùng đã có nhiều trăn trở cho con đường phát triển của địa phương. Từ nghị quyết của Đại hội Đảng bộ H.A Lưới lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội, ông Hùng đã có bài viết chia sẻ khát vọng xây dựng A Lưới thành một xứ sở phát triển, giàu đẹp, trở thành "Nơi đáng đến, đáng ở lại, và có thứ đáng mang về".
Một slogan đặt ra rất cụ thể, nhưng thể hiện sự đổi thay lớn trong tư duy và trăn trở về hướng đi cho A Lưới. Vị Chủ tịch huyện còn kỳ vọng sẽ biến A Lưới thành xứ sở 4 mùa hoa, một đô thị sinh thái quyến rũ du khách.
"A Lưới có vị trí địa lý - kinh tế khá thuận lợi, nằm trên đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, thị trấn với chiều dài trên 100 km, nối xuyên Bắc - Nam; có quốc lộ 49 kết nối Đông - Tây thông suốt với Huế và các huyện đồng bằng; có hai cửa khẩu quốc gia là A Đớt và Hồng Vân, đặc biệt Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt đang được đầu tư phát triển.
Diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh, đất đai màu mỡ, thời tiết khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng. A Lưới còn có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao, thảm thực vật phong phú, diện tích đất trống đồi núi trọc còn nhiều… Đây là tiềm năng lớn có thể khai thác phát triển nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác"- ông Hùng chia sẻ. Ông Hùng đã dẫn đầu các đoàn đi tham quan mô hình kinh tế có đặc điểm tương đồng, đặc biệt là mô hình nông nghiệp sạch và bền vững từ Hòa Bình, Sơn La, Đà Lạt, rồi sang tận Thái Lan...
Chính quyền H.A Lưới mạnh dạn hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình trồng hoa tulip; mô hình nuôi cá tầm thành công ở A Lưới, đem lại hiệu quả kinh tế cao; xây dựng mô hình du lịch homestay; mô hình rau sạch; xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bò vàng A Lưới"; xây dựng "Khu chợ phiên vùng cao A Lưới" để trưng bày, bán các sản phẩm địa phương…
Từ những sự kiện lịch sử được Nhà nước công nhận như: xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia "Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia" (thuộc xã Hồng Bắc); xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (tại điểm qua A Lưới)... với sự chuyển mình không ngừng của diện mạo đô thị vùng cao. Chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn văn hóa, đẩy lùi hủ tục tảo hôn, xóa hôn nhân cận huyết… Bên cạnh đó nghề dệt Dèng ở A Lưới từ nghề truyền thống của đồng bào đã vươn xa trên các sàn diễn thời trang và trở thành di sản văn hóa Quốc gia... A Lưới dần trở thành một "từ khóa" trên mạng xã hội, điểm đến hấp dẫn, quyến rũ trên bản đồ du lịch Cố đô Huế và Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng vui mừng chia sẻ: "Có rất nhiều điều trăn trở đã thành hiện thực. Và A Lưới sẽ tiếp tục quyết tâm trở thành nơi mà du khách "đáng đến, đáng ở lại và có thứ mang về".
Bức tranh đang rõ nét
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ H.A Lưới lần thứ 12, nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ H.A Lưới, cho biết, có 6 chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt, 7 chỉ tiêu về xã hội - môi trường cũng đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển biến tích cực và đúng hướng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, H.A Lưới xác định phải có bước đột phá chiến lược: về con người, nguồn nội lực là nền tảng; về công tác cán bộ; về nông nghiệp và về phát triển du lịch.
Đột phá về con người, nguồn nội lực: Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia vào các chương trình dự án, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, coi trọng giáo dục nâng cao dân trí và tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về quê hương, bản sắc, tiềm năng để người dân tự tin sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế, xã hội góp phần xây dựng A Lưới trở thành xứ sở yên bình, thịnh vượng.
Đột phá về công tác cán bộ: Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025", giai đoạn tới huyện sẽ mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện công tác luân chuyển, điều động và bố trí sau luân chuyển, điều động hợp lý. Xử lý nghiêm cán bộ bị phát hiện vi phạm sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Đột phá về nông nghiệp: Thời gian tới huyện sẽ xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện sẽ tập trung vào việc hỗ trợ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ... để thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao. Hình thành, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các gia trại, trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường.
Đột phá về phát triển du lịch: Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú gắn với sản phẩm, đặc sản địa phương. Chủ động giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh; tham gia các chương trình liên kết, hợp tác, diễn đàn kết nối du lịch giữa các địa phương. Huyện cũng tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch A Lưới trên các nền tảng ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Bình luận (0)