Ả Rập Xê Út dồn vốn đầu tư cho công nghệ tương lai

Thu Thảo
Thu Thảo
14/08/2018 08:20 GMT+7

Đây là cách để nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới tự vệ trước khả năng giá dầu giảm trong thời gian tới.

Theo Bloomberg, Ả Rập Xê Út đã mua một phần cổ phần trong hãng sản xuất xe điện Tesla với giá 2 tỉ USD thông qua Quỹ Đầu tư Công Quốc gia Ả Rập (PIF). PIF cũng có mục tiêu tham gia nhóm nhà đầu tư mua lại Tesla, giúp hãng trở thành doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó, Ả Rập Xê Út đã rót 3,5 tỉ USD tiền đầu tư cho hãng gọi xe Uber Technologies, góp 45 tỉ USD vào quỹ đầu tư công nghệ 100 tỉ USD của SoftBank Group, và lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào các hãng hàng không vũ trụ của Virgin Group.
Neom, thành phố tương lai trị giá 500 tỉ USD mà Ả Rập Xê Út kỳ vọng sẽ có nhiều robot hơn là con người, tọa lạc trên một bán đảo hoang vắng phía tây bắc Ả Rập Xê Út, cũng nằm trong kế hoạch đẩy mạnh công nghệ. Đô thị này sẽ có kết nối với “công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), internet vạn vật và tất cả mọi thứ”, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman cho biết hồi tháng 10.2017, khi công bố kế hoạch phát triển Neom.
Dự án bao gồm cây cầu bắc qua Biển Đỏ, nối thành phố Neom với Ai Cập và phần còn lại của châu Phi. Giới phê bình dự án này chỉ ra rằng trước đó, Ả Rập Xê Út đã có nhiều kế hoạch thất bại nhằm cải tổ nền kinh tế, trong đó gồm nhiều thành phố xây dựng trên sa mạc.
Dù Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô tăng hơn 10%, lên 103,5 triệu thùng dầu/ngày đến năm 2040, nhiều tiến bộ về hiệu suất phương tiện, sự đi lên của xe điện, tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn và xu hướng chuyển đổi sang nhiều nguồn nhiên liệu khác sẽ khiến nhu cầu dầu thô giảm đi. Khoảng 60% lượng dầu thô được dùng trong giao thông vận tải. Đây cũng là ngành mà nhiều thay đổi công nghệ lớn nhất đang diễn ra.
Đa dạng hóa kinh tế Ấn Độ ra khỏi trọng tâm dầu thô là mục tiêu chính trong chương trình Tầm nhìn 2030. Các khoản đầu tư mà quỹ đầu tư quốc gia nước này thực hiện là thành phần quan trọng trong kế hoạch. Chính phủ đất nước Trung Đông từng kêu gọi bán cổ phần trong hãng năng lượng quốc doanh Saudi Aramco, đặt mục tiêu để PIF trở thành quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, cuối cùng kiểm soát hơn 2.000 tỉ USD.
Với thỏa thuận cùng Virgin Group, PIF sẽ rót vốn cho Virgin Galactic, The Spaceship và Virgin Orbit. Quỹ cũng có lựa chọn đầu tư thêm 480 triệu USD vào các dịch vụ không gian của hãng Mỹ. Ả Rập Xê Út lên kế hoạch hỗ trợ các dự án bay vào vũ trụ của con người, hoặc dự án phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Nước này có thể hợp tác với Virgin để lập “ngành công nghiệp giải trí lấy không gian làm trung tâm” trong nước.
Các khoản đầu tư kể trên thể hiện nhiều bước tiến mà Ả Rập Xê Út đang thực hiện để hướng đến vị thế là “nền kinh tế đa dạng hóa và dựa trên tri thức”. Họ tập trung vào các ngành nghề và công nghệ thúc đẩy tiến bộ trên quy mô toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.