Do tính chất của các môn thi khác nhau nên đoàn phải chia đôi lực lượng. Bộ phận chủ lực gồm HLV Lê Quân và 5 VĐV thi trượt tuyết đổ dốc ván đôi và ván đơn gồm Trịnh Đình Thời, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Võ Hữu Vinh, Nguyễn Văn An và Phạm Tiến Đạt phải đến thuê sân tập tại Bankei Ski Area.
Vì ban tổ chức vẫn chưa cho phép các đoàn đến sớm làm quen với đường đua chính thức nên bắt buộc đoàn Việt Nam phải thuê sân tập, mỗi buổi là 3.000 yen, tương đương 600.000 đồng cộng với chi phí linh tinh như phải đi cáp treo lên đỉnh núi, tính ra mỗi buổi cũng gần 1 triệu đồng. Bộ phận còn lại chỉ có VĐV Nguyễn Đức Mạnh thi trượt tuyết băng đồng nên đến sân vận động Saporo Curling tự tập cùng một tình nguyện viên.
HLV Lê Quân cho biết từ 7 giờ sáng khi mặt trời chưa ló dạng cả đoàn đã phải ăn nhẹ thật nhanh rồi cấp tốc đến điểm tập luyện. Vì sân phải thuê nên nếu đăng ký trễ sẽ ảnh hưởng đến quy trình tập và thời gian bị rút ngắn.
tin liên quan
Thể thao Việt Nam xuất quân dự Á vận hội mùa đông 2017Hôm qua tại TP.HCM, đoàn thể thao VN dự Á vận hội mùa đông 2017 đã có cuộc gặp gỡ các thành viên và xuất quân lên đường đến Sapporo (Nhật Bản) dự ngày hội thể thao châu lục.
Hôm qua nhiệt độ tại Sapporo thật đỏng đảnh. Ở khách sạn APA di chuyển là 3 độ C, đến chân núi là -3 độ C nhưng khi đi cáp treo lên đến trên là -10 độ C. Các VĐV Việt Nam chỉ còn biết than trời vì gần như không ai nhìn thấy mặt nhau do tuyết rơi quá dày, sương mù bao phủ khắp nơi, cách có mấy bước chân cũng không nhìn thấy mặt nhau.
HLV Lê Quân phải động viên bằng màn “làm nóng “ rất khí thế khi cho chạy vòng tròn rượt bắt nhau để tạo cảm giác thích nghi và quan trọng cho mồ hổi ra giúp cơ thể ấm dần. Phải mất gần 1 giờ chuẩn bị chờ sương tan dần, đội mới bước vào tập.
|
VĐV Nguyễn Văn An nói: "Dù chiều dài chỉ là 1,2 km trượt nhưng tôi trượt mà gần như không thể định hướng được vì phía dưới cách có vài mét chẳng thấy gì. Nhưng không té như những ngày đầu là may”. Còn Phạm Tiến Đạt nói: "Khó nhất là những lúc xoay người, xoay tư thế để điều chỉnh tốc độ khi trượt nên rất dễ mất điểm chỗ này. Vì vậy chúng tôi phải tâp đi tập lại nhiều lần cho thuần thục. Ban đầu không quen nên té suốt giờ đã nhanh và ít sai sót hơn rồi”.
Theo HLV Lê Quân tốc độ bình quân của môn trượt tuyết dốc là 70 km/giờ nhưng đòi hỏi mọi người phải xử lý nhanh, chính xác khi chọn cung đường chạy zic zắc sao cho hiệu quả nhất.
Vì thi đấu ban đầu mình tranh với mình ở vòng loại nhưng vào trong sẽ là đối kháng, không cho phép phạm sai lầm. Ngoài ra để đề phòng số lượng VĐV đăng ký đông, cuộc đua có thể kéo dài nên đoàn Việt Nam tranh thủ cho tập vào chiều muộn giống như ban đêm luôn.
|
Khoảng 15 giờ 30 chiều là trời bắt đầu sẩm tối, đến 17 giờ thì màn đêm buông xuống nên cả đội Việt Nam phải “tranh thủ” tập để tạo sự thích nghi với tất cả những khó khăn mà cuộc tranh tài sắp tới đặt ra.
HLV Lê Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận: “7 kỳ tổ chức trước đây, các nước Đông Nam Á vẫn chưa lọt được vào tốp tranh chấp huy chương vì thế đòi hỏi Việt Nam giành thành tích ngay lần đầu tham dự, thực sự đây là bài toán vô cùng khó nếu không muốn nói là không khả thi. Nhưng chúng ta tham dự để rút ra nhiều bài học cần thiết cho tương lai. Tôi có lòng tin các VĐV sẽ biết vượt qua chính mình, vượt qua các nước Đông Nam Á khác bằng sự nỗ lực bền bỉ, vất vả nhưng vui, điều đó cũng đã là thành công rồi”.
Đông Timor tham gia giờ chót và có thêm Úc
Trong cuộc họp trưởng đoàn các nước tham dự Á vận hội mùa đông vào hôm qua, ban tổ chức cho biết Đông Timor xác nhận sẽ lần đầu tham dự nâng số nước Đông Nam Á có mặt tại ngày hội là 7 nước.
Ngoài ra đoàn Úc và New Zealand cũng đề nghị được tranh tài tại Sapporo và được Ủy ban Olympic châu Á đồng ý, vẫn được trao huy chương nếu có thành tích nhưng có thể không tính trong bảng xếp hạng chung ở đại hội. Cũng tại cuộc họp đoàn Thái Lan chính thức đăng ký cả 2 nội dung khúc côn cầu trên băng nam và nữ và sẽ là đoàn Đông Nam Á đông nhất với gần 80 người.
|
Những hình ảnh ngày tập luyện của các VĐV ngày 17.2 do PV Thanh Niên gửi về từ Sapporo:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)