­­­Kỳ 7: Sẹo lồi sẹo lõm

Trên thế giới, ngành phẫu thuật thẩm mỹ được đánh giá rất cao. Bởi nó giúp mang lại vẻ đẹp, hạnh phúc và niềm tin yêu cuộc sống cho những người kém may mắn về ngoại hình.

­­­­Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) cũng giúp những ai muốn có sắc vóc đẹp hơn để tự tin hơn, thành công hơn.
Trong chuyên đề “Xu hướng thẩm mỹ hiện đại, an toàn” này, Th.S - bác sĩ Lê Tôn Dũng, giảng viên bộ môn PTTM - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ chia sẻ chuyện nghề, các phương pháp làm đẹp toàn diện, an toàn và đặc biệt mở ra xu hướng về thẩm mỹ nội khoa (không phẫu thuật) trong ngành PTTM đang phát triển mạnh mẽ ở VN.
Các nguyên nhân gây ra sẹo và phương pháp điều trị
Sẹo là một phần tự nhiên trong quá trình tự liền da của cơ thể, nó xuất hiện khi da gặp phải các vết thương do tai nạn, bỏng, phẫu thuật, mụn nhọt viêm nhiễm…
Sẹo lồi là những sẹo giống như khối u, hình thành do sự quá phát của mô sợi diễn ra sau khi lành vết thương, sẹo lồi thường do cơ địa sẹo lồi hoặc ảnh hưởng di truyền, nó xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và người già, tần suất sẹo lồi cao thường ở lứa tuổi 10 - 30. Sẹo lồi cũng xuất hiện hầu hết ở các vùng trên cơ thể, nó thường ảnh hưởng chủ yếu về mặt thẩm mỹ, tuy nhiên, một số sẹo lồi có thể gây co rút, hạn chế vận động nếu sẹo nằm trên vùng khớp hoặc vùng mặt gây biến dạng, thỉnh thoảng nó cũng có thể gây đau hoặc gây ngứa. Ngoài việc điều trị các triệu chứng, thẩm mỹ vẫn là lý do chính để các bệnh nhân tìm tới sự can thiệp của y khoa.
Sẹo lõm thường do thủy đậu hoặc do mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ... mà không được điều trị sớm và điều trị đúng khoa học, hoặc nặn mụn không hợp vệ sinh, nặn mụn trong giai đoạn viêm nang lông khiến nốt mụn tổn thương, viêm nhiễm, liên kết dưới da bị đứt gãy sẽ để lại nhưng vết sẹo rỗ sâu.
Hiện nay, không có phương thức điều trị nào là tốt nhất cho các sẹo lồi, sẹo lõm, mà dựa vào vị trí tổn thương, độ sâu, kích thước, tuổi bệnh nhân và các đáp ứng điều trị trước đây sẽ giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị hợp lý cho từng ca bệnh.
Bác sĩ có thể dùng các phương pháp điều trị như: băng kín, băng ép thường xuyên, tiêm thuốc trực tiếp vào sẹo lồi, bôi thuốc mỡ để làm mềm và phẳng sẹo, đắp lớp silicone gel lên sẹo, phẫu thuật lạnh, cắt bỏ hoàn toàn, xạ trị, liệu pháp laser, máy móc công nghệ, các sóng siêu âm... hoặc kết hợp nhiều phương pháp.
Tuy nhiên, mặc dù tất cả các phương pháp, các thủ thuật thẩm mỹ đã được cải tiến rất nhiều trong những năm qua, việc giải quyết sẹo vẫn là một trong những vấn đề nan giải cho các chuyên gia thẩm mỹ bởi chỉ có thể làm giảm tối đa chứ không thể xóa hoàn toàn vết sẹo.
Theo Th.S - bác sĩ Lê Tôn Dũng: “Phòng sẹo vẫn là nguyên tắc đầu tiên, tối ưu nhất trong điều trị sẹo lồi, sẹo lõm: bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi không nên mổ thẩm mỹ không cần thiết, hãy điều trị sớm, tích cực đối với các bệnh lý mụn, các bệnh gây tổn thương da”.
Những điều cần tránh có những điều bạn không nên làm để tránh được việc để lại sẹo như:
Việc sờ tay lên mặt để nặn mụn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mụn gây viêm nhiễm để lại sẹo.
Khi bạn bị mụn quá nhiều và quá lâu mà không được điều trị thích hợp sẽ gây hoại tử ở các vết mụn, các khối mô bị mất đi sẽ dẫn đến những vết lõm.
Rửa mặt không đúng cách, chà xát bằng khăn quá mạnh khiến da bị tổn thương, tốt nhất là rửa mặt xong nên để da tự khô hoặc dùng khăn mềm thấm nhẹ.
Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp khiến mụn thâm đen, bạn có thể bảo vệ làn da với các loại kem chống nắng có chỉ số SPF trên 15 và bôi trước khi ra ngoài 30 phút, bôi lại sau vài giờ tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm cay nóng cũng gián tiếp cản trở quá trình lành vết thương.
(Kỳ tiếp theo: Các vấn đề về sẹo rỗ và biện pháp khắc phục­­­­)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.