‘Ắc quy xe điện không phải thủ phạm cháy nổ’

18/09/2023 15:35 GMT+7

Ắc quy và pin của xe điện cũng như các thiết bị điện, không phải là thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ mà chúng cũng chỉ là nạn nhân như các vật bị cháy khác.

Đó là khẳng định của chuyên gia về điện, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học Công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - điện tử - tin học (EEI) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.

‘Acquy xe điện không phải thủ phạm cháy nổ’ - Ảnh 1.

Nhiều ô tô đang sạc điện tại trạm sạc Vincom Phan Văn Trị, (Gò Vấp, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

*Phương tiện giao thông dùng điện như xe đạp đin, xe máy điện, ô tô điện có sự khác biệt như thế nào so với các phương tiện dùng điện truyền thống? Mức độ an toàn, đặc biệt trong an toàn cháy nổ của các phương tiện giao thông điện ra sao, thưa ông?

-So với các phương tiện giao thông truyền thống thì các phương tiện giao thông điện như xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện... có điểm khác biệt duy nhất là chúng thuộc nhóm thiết bị dùng ắc quy hoặc pin làm nguồn năng lượng để vận hành. Có thể xếp nhóm thiết bị này cùng nhóm với điện thoại di động, máy tính xách tay, hệ thống bộ đàm, đồng hồ đeo tay…

Xe điện và các thiết bị điện di động này phải có 1 thiết bị đi kèm là bộ sạc điện và ắc quy hoặc pin. Hai thứ này cũng là thiết bị điện thông thường, được dùng với số lượng khổng lồ trong các ngành kinh tế trên khắp thế giới như: phát điện và vận hành hệ thống điên, các ngành hóa chất… Ở mỗi nước đều có luật pháp và những quy định chặt chẽ về an toàn điện, bao gồm thiết kế và chế tạo các thiết bị này.

Chuyên gia điện - điện tử: ‘Xe điện cũng như cái quạt, có chất nổ đâu mà sợ’

Điều tra nguyên nhân vụ cháy trước hết là điều tra việc "phòng cháy và chữa cháy" có được thực hiện đúng pháp luật hay không, từ đó mới có thể quy kết trách nhiệm, xử lý thích đáng và rút kinh ngiêm, làm gương cho những nơi khác

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI)

*Các phương tiện giao thông điện được xem là xu hướng của sự phát triển trên phạm vi toàn cầu. Sau sự cố cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi xuất hiện một số người và vài nơi có phản ứng mang tính quy kết và quay lưng với xe điện, vậy theo TS nên có thái độ thế nào cho phù hợp?

-Tôi cho rằng đó là phản ứng vội vàng, cảm tính và phi khoa học. Ở nước nào cũng vậy, luật pháp về xây dựng, quản lý sử dụng chung cư rất chặt chẽ. Trong luật đó bao gồm cả vấn đề phòng chống cháy nổ là vô cùng quan trọng, trong khâu chống cháy thì nội dung liên quan đến điện cũng rất quan trọng.

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi, cơ quan chức năng chưa xác định nguyên nhân, nhưng nhiều người đã đổ tội cho "sạc điện cho xe điện". Các quyết định lẽ ra phải đợi kết quả điều tra nghiêm túc, chuẩn xác. Điều tra nguyên nhân vụ cháy trước hết là điều tra việc "phòng cháy và chữa cháy" có được thực hiện đúng pháp luật hay không, từ đó mới có thể quy kết trách nhiệm, xử lý thích đáng và rút kinh ngiêm, làm gương cho những nơi khác.

*Nhiều người lo rằng ắc quy và pin dùng cho xe chạy điện là không an toàn, và khi gặp sự cố cháy nổ rất khó chữa. Ắc quy và pin cho các phương tiện điện nói chung thường được sản xuất như thế nào và mức độ an toàn ra sao?

*Ắc quy và pin đều là nguồn điện 1 chiều, cung cấp năng lượng điện cho nhiều loại thiết bị điện. Ắc quy khác pin ở chỗ, khi xài hết điện, thì có thể nạp lại điện mà chúng ta vẫn quen gọi là sạc điện và có thể tiếp tục cấp điện như còn mới. Riêng pin loại nhỏ khi xài hết điện thì chỉ vứt đi. Các loại hóa chất trong pin thường rất độc, nên khi vứt pin hết điện không được tùy tiện vất chung với rác thông thường.

Đối với các loại thiết bị sử dụng nhiều năng lượng điện như điện thoại di động. Thực ra chúng ta quen gọi "pin điện thoại" nhưng chính xác là ắc quy khô dùng cho điện thoại.

Ắc quy lớn hơn pin rất nhiều. Chúng có 2 dạng là nước và khô. Ắc quy dùng trong công nghiệp thông thường là dạng nước. Còn các loại xe đạp điện, xe máy điện, xe ô tô điện… dùng ắc quy khô. Xe đạp điện, xe máy điện thường dùng 4 ắc quy 50 - 75Ah, ô tô điện thường dùng 4 ắc quy 150 - 200 Ah.

Đối với an toàn cháy nổ của ắc quy và pin, các hóa chất tạo nên chúng không phải là chất cháy, chất nổ, nên về nguyên lý chúng không thể tự phát nổ hay bị phát nổ trong khi sạc điện. Cũng vì thế, nếu ắc quy và pin bị đốt sẽ bị cháy như mọi vật khác. Nói cách khác, chúng không phải là kẻ gây ra hỏa hoạn của các vụ cháy nổ. Trong các vụ cháy nổ, chúng cũng chỉ là nạn nhân như các vật khác.

Chỉ có ắc quy nước, khi gặp tai nạn dung dịch (acid sulfuric) của nó sẽ tràn ra môi trường rất độc hại cho con người và cho thiết bị kim loại.

Trong quá trình sử dụng, các phương tiện giao thông điện, cần nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và các quy tắc an toàn, đặc biệt là an toàn điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.