Ách tắc dân lập sang tư thục

04/11/2011 02:50 GMT+7

Yêu cầu chuyển đổi loại hình các trường ĐH từ dân lập sang tư thục đã trôi qua hơn 5 năm nhưng vẫn chưa thực hiện được vì có quá nhiều rối ren.

Do quy định, quy chế

Năm 2006, Chính phủ ra Quyết định 122/QĐ-TTg về việc chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang tư thục và yêu cầu quá trình này phải kết thúc trước ngày 30.6.2007. Quyết định này nhận được sự đồng thuận rộng rãi bởi trường tư thục bảo đảm cơ chế dân chủ cao hơn cũng như quy chế hoạt động rõ ràng hơn. Đến ngày 17.4.2009, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục.

Sự khác biệt giữa dân lập và tư  thục

Cơ sở giáo dục dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.

Cơ sở giáo dục tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ sở giáo dục tư thục là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

(Theo Luật GD năm 2005)

Nhưng trên thực tế việc áp dụng chuyển đổi cho các trường rất ì ạch và không biết bao giờ mới kết thúc. Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu năm 2010, đến thời điểm này chỉ mới có 2/19 trường ĐH dân lập (ĐH Hồng Bàng và Thăng Long) được chuyển đổi, trong khi hàng loạt trường ĐH tư thục mới ra đời và chuyển từ CĐ bán công sang ĐH tư thục.

Theo ý kiến của lãnh đạo các trường, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn do có những bất hợp lý trong các quyết định, quy chế. Chẳng hạn theo PGS-TS Lê Văn Lý - Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, Quy chế 61 bất cập ở chỗ quy định chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) trường tư thục được quyền quyết định bổ nhiệm trưởng, phó khoa, phòng. Ông Lý khẳng định: “Điều này không hợp lý vì nếu người đứng đầu là một nhà đầu tư chứ không phải người làm giáo dục thì chắc chắn không đủ chuyên môn, trình độ để thẩm định, quyết định các cấp trưởng, phó khoa”. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng Quy chế 61 có những điều khoản xem trường ĐH tư thục như một doanh nghiệp là không ổn.

Để hướng dẫn cụ thể, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo Thông tư 20/2010/TT-BGDĐT về quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang tư thục. Thông tư 20 có hiệu lực từ ngày 1.9.2010. Tuy nhiên, thông tư này cũng có những vướng mắc về việc định giá, tài sản khiến nảy sinh bất đồng giữa nhà đầu tư với cán bộ, công nhân viên trường. Vì vậy đối với những trường dân lập là tài sản của cá nhân, gia đình thì dễ dàng được chuyển đổi. Đa số trường dân lập tài sản là của một nhóm người, ngoài việc phát sinh bất ổn nội bộ cũng bộc lộ những vấn đề mà Thông tư 20 chưa thể giải quyết. Trước tình hình này, các trường đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi, điều chỉnh Thông tư 20 cho hợp lý hơn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường chờ sửa đổi Thông tư 20 mới cho phép chuyển đổi chính thức.

Và do các trường

Trong lúc đó, khi Bộ GD-ĐT chưa hoàn tất khâu pháp lý, nhiều trường ĐH dân lập lại phát sinh bất ổn nội bộ trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi.

Ngày 19.12.2010, sau khi chuẩn bị chu đáo về xác định tổng vốn góp, cổ phần, kiểm toán, định giá tài sản…, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức đại hội đồng cổ đông, bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát, đề nghị lên Bộ GD-ĐT công nhận kết quả đại hội để từ đó xem xét chuyển đổi. Sau đó TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng, đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT phản đối kết quả đại hội và công tác chuyển đổi với lý do đại hội chưa làm đúng với Thông tư 20. Do đó Bộ GD-ĐT đề nghị trường sửa đổi, bổ sung một số điều để hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi.


Đại hội công nhân viên chức tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM xảy ra tranh cãi giữa nhân viên trường với chủ đầu tư - Ảnh: Minh Luân

Theo ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch HĐQT, hiện nay những yêu cầu của Bộ đã được sửa đổi nhưng Bộ vẫn chưa tiến hành công nhận kết quả của đại hội. Trong khi đó, TS Nguyễn Dũng cho rằng HĐQT cũng đã chỉnh sửa, nhưng Bộ GD-ĐT trả lời bằng Công văn số 3680 ngày 6.6.2011, vẫn cho là chưa đúng. Theo công văn này, Bộ yêu cầu nhà trường tiếp thu, chỉnh sửa và thực hiện đúng theo các nội dung quy định tại Thông tư 20 và các công văn hướng dẫn, Bộ chỉ xem xét hồ sơ chuyển đổi khi có sự thống nhất của toàn thể các tổ chức trong trường.

Trước đó, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng có những bất đồng trong cách chuyển đổi cũng như việc định giá tài sản sử dụng, sở hữu tập thể... để chuẩn bị chuyển sang tư thục. Những mâu thuẫn giữa chủ tịch HĐQT, nhà đầu tư mới với hiệu trưởng diễn ra gay gắt đến mức nhiều cấp lãnh đạo ban ngành đã phải vào cuộc để ổn định tình hình.

Với Trường ĐH Văn Hiến, việc chuyển đổi sang tư thục lại vướng mắc ở tài sản quy định. Ngoài cơ sở vật chất hoàn toàn phải thuê mướn, tài sản không chia của trường hầu như nằm ở con số 0, không thể đảm bảo theo quy định của Bộ GD-ĐT phải có 50 tỉ đồng khi chuyển đổi. Vì vậy, lãnh đạo trường gấp rút tìm nhà đầu tư cho trường để đảm bảo quy định này. Trường đã ký bản cam kết đầu tư với Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC. Tuy vậy, việc hợp tác này đang vướng phải phản ứng của rất nhiều cán bộ - công nhân viên trong trường vì cho rằng nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Trả lời Báo Thanh Niên, ông Phan Sào Nam - Trưởng đại diện Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC tại TP.HCM, cho biết: “VTC cam kết các điều khoản đầu tư cho nhà trường với điều kiện Trường ĐH Văn Hiến đã chuyển sang tư thục, nên hiện tại không thể đầu tư bất cứ thứ gì khi chưa chính danh”.

Đăng Nguyên - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.