Ách tắc trong cấp phép ca khúc lưu hành, vì sao ?

06/08/2006 22:20 GMT+7

Trong cuộc họp báo giới thiệu album ca sĩ hải ngoại Gia Huy, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông tỏ ra đầy bức xúc khi nói về việc album Gia Huy bị "ách" vài tháng trời tại Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP.HCM. Đây không phải là trường hợp duy nhất...

Lý do mà album Gia Huy bị "ách" là do ca khúc chủ đề album Để đời một câu nghĩa tình của nhạc sĩ Minh Khang - mà theo Sở VH-TT - là có đoạn mở đầu nghe khá "nhạy cảm", có thể khiến giới trẻ khi nghe sẽ có những suy nghĩ sai lệnh về cuộc sống: "Sống ở đời tình nghĩa chi, yêu hết con tim cũng chẳng được gì. Sống ở đời đừng quá yêu, em không như ta mong đợi...".

Một ca khúc khác của Quang Huy mang tên Thằng khờ thủy chung cũng từng bị "ách" lại với lý do là chữ "thằng" nghe nặng nề quá. Theo lời Quang Huy thì anh viết ca khúc này chỉ muốn nói về câu chuyện tình yêu của một người ngây ngô, chỉ biết yêu hết mình và thủy chung hết mình. "Thằng khờ" theo Quang Huy là hình ảnh dễ thương như... thằng bờm trong văn hóa dân gian Việt Nam. Dù có "lý giải" thế nào đi chăng nữa thì Quang Huy cũng buộc phải chỉnh sửa tựa ca khúc nếu như không muốn bị "giam" lại.

Ông Hoàng Tuấn: "Chuyện về cái poster Đan Trường tôi không muốn nói đi nói lại nữa... Qua "sự cố" này, tôi chỉ mong rằng các cơ quan đại diện cho pháp luật, cho chính quyền địa phương, nhà nước thì xin cứ thi hành công việc theo luật pháp chứ đừng nên xử lý và quyết định theo cảm tính, cảm nhận. Bởi nếu như vậy, thì dù người ta có làm theo nhưng cũng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Làm sao có thể chấp nhận được khi chỉ từ ý kiến chung chung "nhìn thấy ghê", là cấm. Như vậy là quá cảm tính!".

Nhạc sĩ Minh Khang: "Từ trước đến giờ Sở có yêu cầu chỉnh sửa gì, tôi cũng đều làm theo cho... trôi chảy. Nhưng, có bao giờ cái cảm xúc được sửa lại hay hơn cảm xúc ban đầu? Về bài Để đời một câu nghĩa tình, tôi đã chuyển nhượng lại cho Rạng Đông, nên việc Sở yêu cầu sửa hay Rạng Đông muốn giữ nguyên văn... là chuyện của hai bên. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm, nếu cơ quan chức năng có yêu cầu chỉnh sửa, thì xin nêu lý do xác đáng, và cho biết luôn muốn sửa cụ thể như thế nào, để khỏi phải sửa đi sửa lại".

N.Vân (ghi)

Một trường hợp khác, ca sĩ Hoàng Nam từng rất buồn bực khi nhờ vả Hãng phim Trẻ xin phép phát hành ca khúc Anh xin ra đi của Võ Duy Kha. Nhưng theo Sở thì ca khúc này là của Võ Hoài Nam chứ không phải của Võ Duy Kha. Nếu như Hoàng Nam muốn phát hành album thì bắt buộc phải để tên tác giả theo yêu cầu của Sở. Trước yêu cầu này, Hoàng Nam và Võ Duy Kha đã tìm mọi cách chứng minh đó là sáng tác của mình nhưng không thành công. Võ Duy Kha còn tính đến chuyện kiện tụng nhưng Hoàng Nam đã "xin" anh bỏ qua vì không muốn rắc rối thêm nữa. Hoàng Nam cho rằng mình không thể chờ đợi thêm vài tháng hay vài năm nữa, bởi album của anh đã mất đến hơn 2 năm chờ đợi giấy phép rồi nên buộc phải nhờ Nhà xuất bản m Nhạc xin giấy phép và mọi chuyện đã... đâu vào đấy!

Một người đầy kinh nghiệm như ông Hoàng Tuấn - bầu của Đan Trường cũng bức xúc khi một ca khúc Đài Loan mà Đan Trường mua và hát độc quyền đã không được cho phép phát hành bởi Sài Gòn Audio. Theo ông Hoàng Tuấn, mặc dù phía Đài Loan đã bán độc quyền cho H.T Production nhưng không có nghĩa là ông không được chuyển nhượng qua Sài Gòn Audio.

Việc Sở VH-TT cẩn trọng trong việc cấp phép một ca khúc mà ca từ, giai điệu và cả tựa đề ca khúc "nhạy cảm" là điều rất đáng hoan nghênh. Bởi có một thực tế hiện nay là đã có rất nhiều ca khúc tung ra thị trường mà lời và tựa bài hát nghe... phát khiếp! Tuy nhiên, qua những trường hợp nêu trên, phải chăng Sở VH-TT đã quá "nặng tay" khi thẩm định một ca khúc?

Không chỉ riêng chuyện ca khúc Để đời một câu nghĩa tình, mà gần đây một số trường hợp cũng được Sở VH-TT giải quyết theo "cảm nhận". Vẫn còn râm ran chuyện cái băng-rôn vẽ mặt nạ theo kiểu tuồng cổ của Đan Trường. Sở yêu cầu thay đổi, và yêu cầu đó cuối cùng cũng được thực hiện, nhưng tới ngày liveshow Đan Trường diễn ra, người ta thấy ngoài đường vẫn treo song song 2 băng-rôn: một cái cũ có hình mặt nạ, và cái mới "theo yêu cầu". Hay trước đây, từ chuyện phá cách - sáng tạo trong âm nhạc, ca khúc Một cõi đi về do ca sĩ Thanh Lam thể hiện bị Sở VH-TT từ chối cấp phép biểu diễn vì lý do: thay đổi cách hát của ca khúc nổi tiếng chưa thuyết phục! Đúng là nghe trong album, ca khúc này "bị" phản ứng dữ dội. Nhưng album là sản phẩm tâm huyết của ca sĩ, thể hiện cái gì đó rất riêng, và có người xem đó là cuộc chơi nghệ thuật. Còn khi hát trên sân khấu, lại là chuyện khác, cách xử lý khác. Do đó, việc từ chối cấp phép biểu diễn trong những trường hợp nêu trên mới là thiếu thuyết phục.

Sở VH-TT TP.HCM nói gì ?

Trước những dư luận về tình trạng ách tắc trong cấp phép sản xuất và phát hành băng đĩa, cấp phép công diễn chương trình, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM (ảnh).

* Tuần qua, có dư luận về trường hợp ca khúc của nhạc sĩ Minh Khang, do ca sĩ hải ngoại Gia Huy thể hiện được Trung tâm băng nhạc Rạng Đông xin giấy phép, thế nhưng chương trình đó tới ba tháng mới được cấp phép vì Sở không đồng ý về nội dung ca khúc?

- Ca khúc đó viết về tình yêu, trong đó có đoạn "Tình yêu trên đời không có nghĩa gì cả, em không yêu tôi thì tôi yêu người khác...", về mặt quản lý ca khúc này hoàn toàn không sai phạm về chính trị, về thuần phong mỹ tục nhưng xét về mặt nghệ thuật thẩm mỹ quả là có vấn đề. Nội dung được nhạc sĩ giải thích là tâm lý của người thất tình nhưng theo tôi đó là tâm trạng riêng tư, anh không thể bắt xã hội thưởng thức nghệ thuật không theo một giá trị đích thực. Qua đó, để thấy rằng một vài ca khúc mới của những nhạc sĩ trẻ đang có vấn đề, tại sao cũng là ca khúc hát về tình yêu nhưng các nhạc sĩ trước đây thể hiện nó một cách ý nhị và tinh tế, những ca từ làm rung động trái tim của bao thế hệ. Về mặt thẩm mỹ, tôi vẫn kiên định quan điểm của mình, nhưng về mặt quản lý Nhà nước ca khúc đó không vi phạm chính trị, thuần phong mỹ tục thì chúng tôi vẫn phải cấp phép.  

  * Như vậy, để giải quyết những khúc mắc khi cấp phép thì theo bà phải làm như thế nào?

- Cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và nhà tổ chức, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đang đứng chung một con thuyền văn hóa nên tôi vẫn muốn chúng ta cùng ngồi lại, cùng hỗ trợ nhau để đưa con thuyền văn hóa đó lên cao.

Trâm Anh (thực hiện) 

Dạ Ly - Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.