ADB không đối đầu với AIIB

05/05/2017 10:15 GMT+7

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ không ảnh hưởng mấy đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Trong cuộc họp báo vào ngày đầu tiên của hội nghị thường niên lần thứ 50 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản từ 4 - 5.5, ông Nakao còn dự đoán “cơn khát” cơ sở hạ tầng của châu Á - Thái Bình Dương hứa hẹn tạo điều kiện cho những liên minh kinh tế lớn khai sinh.
“Giới truyền thông thường có xu hướng muốn mô tả cảnh đối đầu giữa ADB và AIIB (Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, do Trung Quốc khởi xướng), nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành đối tác, nhất là trong nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nakao phát biểu. Trả lời tờ Nikkei Asian Review ngày 4.5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng VN sẽ tận dụng lợi thế từ sự “cạnh tranh tích cực” giữa ADB và AIIB để đạt được hiệu quả tốt nhất trong các dự án đầu tư.
Trong khi đó, các báo cáo tại hội nghị đều dự đoán những viễn cảnh tích cực, ít nhất là trong trung hạn, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ASEAN đóng vai trò góp phần dẫn dắt đà phát triển của khu vực. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2017 của ADB, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và VN sẽ góp phần cho phép tổng GDP châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng được mức tích cực là 5,7% trong hai năm 2017 - 2018, chỉ giảm nhẹ so với số liệu 5,8% vào năm ngoái.
“Các nước đang phát triển tại châu Á tiếp thêm xung lực cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh khu vực đang phải điều chỉnh trước một nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang hướng tập trung tiêu dùng và dịch vụ trong nước”, kinh tế gia trưởng của ADB, tiến sĩ Yasuyuki Sawada phát biểu.
Do kinh tế Trung Quốc chiếm gần phân nửa trong tổng GDP của châu Á - Thái Bình Dương nên việc tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại của quốc gia này chắc chắn sẽ tác động lớn đến tổng quan cả khu vực. Tuy nhiên, ông Sawada cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt những viễn cảnh tích cực và đa số các nền kinh tế trong trạng thái tốt, đủ sức chịu đựng những cú sốc ngắn hạn có thể xuất hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.