ADB sẽ cùng Việt Nam thu hút nhà đầu tư

11/11/2017 07:48 GMT+7

Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Diwakar Gupta khuyến nghị về những bước đi sau khi Việt Nam không còn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên bên lề Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, ông Gupta đưa nhiều khuyến cáo để VN có thể tiếp tục tiếp cận nguồn vốn vay sau khi không còn được được nhận các vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ năm 2019, đồng thời đưa ra những định hướng mới trong cơ chế đồng tài trợ, năng lượng thay thế, phát triển khối tư nhân và và ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Diwakar Gupta ADB

-Xin ông cập nhật dự báo của ADB trong lĩnh vực cấp vốn cho khu vực tư nhân, bao gồm đồng tài trợ đến năm 2020? 

Tất nhiên là ADB vẫn duy trì cam kết gia tăng các hoạt động trong lĩnh vực cấp vốn cho khu vực tư nhân, cả về công tác chính sách lẫn hỗ trợ khung hành động thông qua khuôn khổ mà chúng tôi gọi là Phát triển Khu vực Tư nhân (PSD), cũng như trong các dự án thương mại gọi chung là Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân (PSO).

Trong đó, PSO tăng trưởng đáng kể trong vài năm gần đây với nguồn vốn hỗ trợ thường niên tăng từ 1,6 tỉ USD vào năm 2015 lên 2,5-3 tỉ USD trong năm 2017.  Chúng tôi dự kiến sẽ đạt đến việc cấp vốn 3,4 tỉ USD trong năm 2020. Những số liệu đều xuất phát từ các khoản vay của ADB, và nếu bao gồm cả đồng tài trợ, chúng tôi đã cung cấp vốn vay gần 7,5 tỉ USD vào năm 2016, với mục tiêu đạt 11,4 tỉ USD vào năm 2020.

-ADB đã thông qua một số chương trình đồng tài trợ với Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), như các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Pakistan và Ấn Độ. Trong vòng 12 tháng tới, ADB và AIIB sẽ tiếp tục hỗ trợ những dự án nào, và liệu Việt Nam có nằm trong danh sách này?

ADB chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với AIIB, bao gồm chuẩn bị các chính sách hoạt động cho AIIB. Theo Biên bản Ghi nhớ (MOU) ký kết vào ngày 2.5.2016, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên bao gồm xoa dịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thích nghi với môi trường mới; năng lượng và điện năng; giao thông vận tải & viễn thông; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và nông nghiệp; nguồn nước và xử lý nước; bảo vệ môi trường và phát triển đô thị.

Tính đến nay, ADB – AIIB đã đồng cấp vốn cho các dự án tại Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Georgia. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cơ hội cấp vốn cho các dự án tại Việt Nam, và sẵn lòng cân nhắc khả năng đồng tài trợ với AIIB và các thể chế khác.

-Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP) đang chuẩn bị kết thúc năm hoạt động đầu tiên. ADB và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa những tiêu chí và điều kiện gì để các quốc gia có thể đăng ký xin hỗ trợ từ quỹ này? Kỳ vọng của ADB đối với LEAP trong khu vực Đông Nam Á là gì?

LEAP là cơ chế do JICA và ADB phối hợp hình thành, với quỹ 1,5 tỉ USD hoàn toàn từ JICA, nhằm mục đích hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng khối tư nhân tại khắp châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là nguồn quỹ mới cho các dự án khả thi nhưng thiếu vốn. Chúng tôi đã có năm hoạt động đầu tiên vô cùng thành công, với hai dự án trị giá trên 210 triệu USD theo hình thức huy động vốn vay.



 Thách thức lớn nhất là phải gây dựng những dự án khả thi, có thể vay vốn ngân hàng cùng với triển vọng sinh lời để hấp dẫn nhà đầu nước ngoài và chúng tôi tiếp tục hướng đến mục tiêu này.


Phó chủ tịch Diwakar Gupta


Phương thức này trở nên phổ biến và hiệu quả. Chúng tôi đang xử lý khoảng vay 500 triệu USD lấy từ LEAP và những giao dịch thoái vốn để cung cấp cho các dự án hạ tầng khối tư nhân khắp khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

-Việt Nam đã phấn đấu thành công trở thành quốc gia thu nhập trung bình, nhưng đồng nghĩa với việc sẽ mất đi các khoản vay ưu đãi dành cho nước thu nhập thấp. Lãi suất cho những khoản vay sắp tới có thể tăng từ 2-3% lên đến 5-6%, chưa bao gồm phí dịch vụ và thời hạn trả rút ngắn. Việt Nam nên làm gì để tiếp tục nhận được nguồn vốn từ ADB?

 Đây là câu hỏi thú vị dành cho cả Việt Nam và ADB vì đôi bên đều đặt trọng tâm tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ lãi suất quý báo đề cập có phần hơi lạc quan so với kế hoạch của chúng tôi. Việt Nam sẽ không còn được vay ưu đãi từ ADB vào năm 2019, nhưng vẫn có thể tiếp cận nguồn tài chính từ ADB.

ADB tiếp tục phối hợp với chính phủ Việt Nam để tăng cường tối ưu hóa những khoản vay hiện hữu và đẩy nhanh việc thực hiện dự án hạ tầng ưu tiên. Về cơ bản, thách thức lớn nhất là phải gây dựng những dự án khả thi, có thể vay vốn ngân hàng cùng với triển vọng sinh lời để hấp dẫn nhà đầu nước ngoài và chúng tôi tiếp tục hướng đến mục tiêu này.

-Khoảng 60% đầu tư của ADB trong khối tư nhân năm 2016 tập trung vào dự án năng lượng ở các quốc gia như Indonesia và Azerbaijan, hỗ trợ phát triển năng lượng sạch. Xin ông cho biết về viễn cảnh các dự án tương tự tại VN.

Đơn vị phụ trách PSO của ADB chú trọng duy trì cam kết đầu tư vào năng lượng sạch, cũng như rót vốn vào Việt Nam. Cơn bão số 12 hoành hành miền Trung vừa qua là minh chứng cụ thể cho thấy Việt Nam đặc biệt cần quan tâm phát triển nguồn năng lượng sạch do thường xuyên đối mặt thiên tai bão lũ.

tin liên quan

Nước biển sắp đến chân
Cùng sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực có những bước chuẩn bị để ứng phó, “đón đầu” hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ADB chưa thể tìm thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam. Thỏa thuận về FiT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng thay thế được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện quốc gia - PV) đã giúp thu hút sự chú ý đối với lĩnh vực năng lượng thay thế ở Việt Nam.

Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam nên điều chỉnh FiT theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nếu muốn thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển dự án. Từ đó, Việt Nam có thể tạo ra nhiều dự án có thể xin hỗ trợ ngân hàng và thu hút đầu tư từ ADB.

-ADB cảnh báo những thành tựu khó khăn lắm mới đạt được của châu Á có nguy cơ bị phá vỡ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. ADB đã hỗ trợ chống biến đổi khí hậu với tổng số tiền 3,7 tỉ USD trong năm 2016, dự kiến tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2020. ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu như thế nào?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam, bên cạnh địa lý đặc thù với đường bờ biển dài và các đồng bằng ven biển lớn, kết hợp với vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế, đang tạo ra những thách thức đáng kể về khía cạnh môi trường. Và những thách thức này càng nghiêm trọng hơn trước xúc tác từ biến đổi khí hậu.

Theo chỉ số rủi ro khí hậu, Việt Nam xếp hạng 7 trong số các nước đối mặt với nguy cơ môi trường thay đổi. Bên cạnh các tài sản kinh tế, dân số được phân bổ ở mật độ cao ở những vùng đất thấp và đồng bằng ven biển, nơi dễ bị lũ lụt, hạn hán và phải đối mặt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như bão tố. Trong khi đó, thách thức ở vùng cao bao gồm đất chất lượng kém, địa hình cheo leo và nguy cơ xói mòn cao.

Dự kiến nông nghiệp, cụ thể là lĩnh vực trồng lúa, sẽ bị tổn thất nặng, với ĐBSCL bị nặng nhất do phần lớn khu vực này thấp hơn mặt nước biển gần 2 m. Thay đổi khí hậu có thể giảm năng suất gạo tại đây từ 3 - 9 triệu tấn vào năm 2050, và những khu vực trồng cà phê năng suất cao có thể lâm vào tình trạng không phát triển.

Các hệ sinh thái biển của Việt Nam nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cải thiện môi trường tự nhiên là cột trụ trong Chiến lược đối tác của ADB tại Việt Nam. Bên cạnh các đề xuất cụ thể về khí hậu, nhìn chung các dự án của ADB đều được bổ sung các yếu tố kỹ thuật nằm giảm mức độ ảnh hưởng đến từ thay đổi khí hậu và thích ứng với tình hình môi trường trong tương lai.

Tiến sĩ Diwakar Gupta là Phó chủ tịch Khu vực tư nhân và Nghiệp vụ Đồng tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ tháng 8.2015. Ông quản lý công tác hỗ trợ các dự án tư nhân có triển vọng phát triển rõ ràng nhưng lại thiếu nguồn vốn vay cần thiết. Đồng thời, tiến sĩ người Ấn Độ cũng chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì các quan hệ đối tác đồng tài trợ với nhiều tổ chức và viện tài chính trên thế giới. Theo khung hành động Chiến lược 2020 của ADB, ngân hàng đang đẩy mạnh sự ủng hộ của mình trong hai lĩnh vực hoạt động vay vốn này. Ông là lãnh đạo cấp cao nhất của ADB tham gia Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng với đề tài thảo luận về các xu hướng kinh tế, chính trị, công nghệ sẽ thay đổi cách thức hàng hóa, dịch vụ được tạo ra trên toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.