ADB, WB lạc quan về dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

Mai Hà
Mai Hà
03/06/2023 12:48 GMT+7

Sáng 3.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 về tình hình kinh tế - xã hội. Tín hiệu vui là nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2023 sẽ hơn 6%, song nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phiên họp hôm nay tổ chức vào thời điểm sau thành công của hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.

ADB, WB lạc quan về dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam  - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 theo hình thức trực tuyến với 63 địa phương cả nước

NHẬT BẮC

Đặc biệt, vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương. Vì vậy, Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là sản xuất công nghiệp để phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, nhằm có giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, ở trong nước nhiều chính sách chỉ đạo kịp thời đã giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Nhiều tín hiệu tích cực của kinh tế trong tháng 5 như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2022 và tính chung 5 tháng tăng 12,6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt hơn 48% dự toán. Cán cân thương mại 5 tháng ước xuất siêu gần 10 tỉ USD. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt gần 2 tỉ USD, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (88.000 doanh nghiệp). 

Bộ KH-ĐT đánh giá tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý 2. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5%/năm vào 2023 và 6,6% vào năm 2024. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam 2023 - 2024 lần lượt là 6,5% và 6,8% năm; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 5,8% và 6,9%, nằm trong nhóm dẫn đầu châu Á. 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, như sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn, áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá là chậm lại nhưng vẫn ở mức cao.

Xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất, kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường. Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, thu ngân sách nhà nước thời gian tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.