(TNO) Cùng là cái đích 'vô địch' sau cùng nhưng trong khi các đội tuyển và các Liên đoàn chiếu trên ở Đông Nam Á đều nói đến nó như một mục tiêu tối cao, mục tiêu kiên quyết thì với thầy trò Miura chỉ được nói đến ở góc độ 'mong ước' mà thôi. Vậy thì phải chăng chúng ta non gan, yếu mềm hơn đối thủ?
>> Cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2014 có nguy cơ bị loại khỏi AFF Cup
>> Zico Thái' Kiatisak: 'Thái Lan muốn gặp Việt Nam ở chung kết AFF Cup
>> HLV Alfred Riedl: 'Việt Nam mạnh nhất bảng, nhưng tôi tin sẽ có bất ngờ
>> Tuyển Indonesia của HLV Riedl đặt mục tiêu cao ở AFF Cup 2014
|
Bóng AFF Cup sắp lăn, ngó ngang ngó dọc thấy nhiều đội tuyên bố vô địch quá. Ở bảng B, đương kim vô địch và cũng là chủ nhà Singapore đương nhiên phải tuyên bố như vậy, bất chấp việc sức mạnh của họ giảm đi rất nhiều sau khi quyết định nói không với các cầu thủ nhập tịch. Thái Lan của "Zico" Kiatisak - người vừa giúp bóng đá Thái phục hận với chiếc HCV SEA Games, lại giúp đội tuyển Olympic Thái lọt vào tới bán kết ASIAD hẳn nhiên cũng tuyên bố như vậy rồi.
Ở bảng A, không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi bay sang Hà Nội dự lễ bốc thăm, ông thầy người Mỹ của tuyển Philipines (Thomas Dooley) cũng tuyên bố phải vô địch. Alfred Riedl - nhà cầm quân nổi tiếng là điềm đạm, cầu toàn của Indonesia thì không nói trắng ra như thế, nhưng Liên đoàn Bóng đá Indonesia thì nói rõ: đội tuyển phải vô địch.
Có lạ không? Không! Bởi kể từ sau cái kỳ tích lọt vào bán kết AFF Cup 2010, từ SEA Games đến AFF Cup sau đó, giải nào mà Philippines chẳng tuyên bố to tát thế. Còn với Indonesia - quốc gia có dân số đông nhất khu vực, cũng là quốc gia nhiều lần bỏ lỡ ngôi đầu khu vực (dù nhiều lần vào chung kết) thì luôn coi chức vô địch như một động lực, một nhiệm vụ sống còn.
Trong cái bối cảnh rừng nhỏ cọp nhiều và cọp nào cũng kêu to thì riêng đội tuyển Việt Nam lại vào trận mà không phải gánh nặng bất cứ mục tiêu nào. Nói như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì "trước đây VFF nhiều lần đặt chỉ tiêu nhưng phần lớn là không thành. Chỉ tiêu vì vậy giống như việc giao cho có, làm cho vui...".
Câu nói cho thấy sự thay đổi khủng khiếp về tư tưởng của người đứng đầu VFF, bởi trước thềm SEA Games 2009 chính ông Dũng (khi ấy mới chỉ là phó chủ tịch tài chính) từng tuyên bố: "Đội tuyển U.23 mà không có HCV thì coi như thất bại", khiến thuyền trưởng Calisto tức phát điên.
Nhưng trong khi VFF không giao chỉ tiêu cho đội tuyển thì cá nhân HLV trưởng Toshyia Miura lại không ngại thổ lộ mong muốn của riêng mình, đó là mong muốn đoạt ngôi vô địch với 2 lý do: 1. Chúng tôi từng vô địch một lần. 2. Chúng tôi đang là một trong hai đội chủ nhà.
Ngày 20.11, sau khi nhận những bó hoa tươi thắm của các cầu thủ thì vị HLV 51 tuổi người Nhật Bản cũng một lần nữa nhắc đến 2 tiếng "vô địch" khi bảo: "Tôi rất cảm động với món quà này. Nhưng tôi mong các bạn quyết tâm thi đấu để tặng tôi món quà lớn hơn: chức vô địch AFF Cup".
Cùng là cái đích "vô địch" sau cùng nhưng trong khi các đội tuyển và các Liên đoàn chiếu trên ở Đông Nam Á đều nói đến nó như một mục tiêu tối cao, mục tiêu kiên quyết thì với thầy trò Miura chỉ được nói đến ở góc độ "mong ước" mà thôi. Vậy thì phải chăng chúng ta non gan, yếu mềm hơn đối thủ?
Sẽ là "đúng như vậy" nếu trong tay ông Miura là một binh đoàn thực sự thiện chiến, được quan tâm, xây dựng trong một bối cảnh chín muồi. Nhưng sẽ là "không phải vậy" nếu trong tay ông là một đội tuyển đang được làm mới theo chiều hướng trẻ hóa, và đơn giản hóa, còn bối cảnh của sự làm mới lại là lúc mà niềm tin vào đội tuyển đang xuống tới mức không thể thấp hơn.
Khỏi nói thì ai cũng biết là trường hợp nào đang diễn ra. Và vì thế, cái khẩu hiệu: "Chúng tôi mong ước vô địch", chứ không là "chúng tôi phải vô địch" xem ra lại là một thái độ đúng đắn, giúp đội tuyển Việt Nam có thể vào trận một cách nhẹ nhàng, thanh thoát nhất.
Rừng nhiều cọp, và cọp nào cũng thi nhau gào thét thì nhún mình một chút, dịu giọng một chút đôi khi lại là chiêu đắc lợi!
Phan Đăng
Bình luận (0)