Tính mạng “cụ rùa” Hồ Gươm bị đe dọa
Gần đây, có thông tin đồn rằng “cụ rùa” Hồ Gươm đã bị chết. Tuy nhiên, mới đây PGS-TS Hà Đình Đức khẳng định đó chỉ là tin đồn nhảm. Hiện tại “cụ rùa” vẫn còn khỏe mạnh. Song có một điều làm ông cũng như nhiều người không khỏi lo toan, e ngại đó là tính mạng “cụ rùa” đang bị đe dọa từng ngày.
Bằng chứng là khi xem kỹ những tấm hình chụp cảnh “cụ rùa” ngoi lên mặt nước thời gian gần đây, ông phát hiện ở trên cổ và trên mai của “cụ rùa” có tới hai lưỡi câu chùm loại to. Theo ông Đức, đây là lưỡi câu của những kẻ thường câu trộm cá ở Hồ Gươm, nhưng cũng không loại trừ việc họ có âm mưu câu trộm rùa để bán hoặc có sở thích phá hoại.
Hiện tại, hai lưỡi câu sắt vẫn đang móc trên mình “cụ rùa”. Việc gỡ chúng ra khỏi “cụ” rất khó khăn vì một mặt phải chờ dịp “cụ” nổi lên mặt nước phơi nắng, một mặt không dễ mà tiếp cận được. Bởi theo ông, không phải cứ lặn xuống hồ là tìm được “cụ”. Hồi đầu năm 1992, 6 thợ lặn đeo bình lặn đã xuống hồ 4 tiếng đồng hồ liền mà vẫn không thể tìm ra “cụ”!
Trong khi việc ngăn chặn chưa thể thực hiện được để đảm bảo an toàn cho tính mạng “cụ rùa” thì hiện nay rùa Hồ Gươm còn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa khác, trong đó, theo ông Đức, nỗi lo lớn là sự xâm nhập của loài “rùa tai đỏ”. Ông Đức cho biết, hiện không thể thống kê được ở Hồ Gươm có bao nhiêu con rùa tai đỏ. Lần đầu tiên phát hiện có rùa tai đỏ ở nơi rùa thiêng cư ngụ là năm 1997.
Theo nhận định, có thể một người nào đó đã nhập rùa tai đỏ ở nước ngoài về nuôi làm cảnh, rồi phóng sinh vào Hồ Gươm. Từ đó tới nay, trong khi số rùa tai đỏ đã phóng sinh không ngừng sinh sôi nảy nở ra hàng ngàn con thì vẫn có thêm hàng ngàn con khác tiếp tục được thả xuống hồ.
Rùa tai đỏ chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, tưởng như không đáng kể so với “cụ rùa” Hồ Gươm nhưng lại ra sức đe dọa vì sự đông đảo của chúng. Chúng là loài rùa ăn tạp, xơi bất cứ loài thực vật nào như tảo, bèo tấm… cho đến động vật như: nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng, giáp xác hai chân, và các loại thân mềm… có trong hồ. Do đó, bên cạnh mang trên mình những vết thương tích, “cụ rùa” còn đang bị co hẹp nguồn thức ăn.
“Chẳng bao lâu nữa, rùa tai đỏ sẽ ăn hết tảo và làm mất màu xanh của Hồ Gươm. Khi đó tính mạng “cụ rùa” sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”- ông Đức nói.
Ai chịu trách nhiệm?
Về việc có nên loại bỏ rùa tai đỏ ra khỏi Hồ Gươm hay không, hoặc xử lý như thế nào… cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ông Đức nói: “Năm 2004, tôi đã có một công trình nghiên cứu, điều tra riêng về rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, trong đó bày tỏ rõ quan điểm là phải tiêu diệt toàn bộ rùa tai đỏ, nhưng chẳng ai quan tâm”. Theo chúng tôi, nếu cứ để tình trạng này, có lẽ một ngày nào đó, cụ rùa sẽ chết, còn Hồ Gươm sẽ nhung nhúc rùa tai đỏ và lúc đó có lẽ Hồ Gươm sẽ phải gọi là… hồ “rùa tai đỏ”!
|
Ai cũng biết rùa Hồ Gươm là loài cực kỳ quý hiếm, hiện trên thế giới chỉ còn có 4 cá thể (1 con hiện ở hồ Đồng Mô, 2 con ở một công viên của Quảng Châu-Trung Quốc, và cuối cùng là “cụ rùa” Hồ Gươm), đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng không có ai sốt sắng bảo vệ, cũng không có riêng một dự án, phương án bảo tồn.
Nhiều năm qua, nhiều người vẫn tưởng rằng, Hà Nội có hẳn một ban quản lý Hồ Gươm thì sẽ quản lý, bảo vệ luôn cả “cụ rùa”, nhưng khi chúng tôi gặp gỡ tìm hiểu thì họ khẳng định, ban quản lý mặc dù có tổng nhân lực là 50 người, nhưng chỉ có trách nhiệm bảo vệ di tích, an ninh trật tự chứ không có trách nhiệm về số phận “cụ rùa”!
Theo nhiều người, việc bảo vệ tính mạng “cụ rùa” là trách nhiệm của mọi người. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể sẽ phải là UBND TP Hà Nội và cao hơn nữa có thể là Bộ VH-TT và DL, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT… Bởi rùa Hồ Gươm không chỉ là một động vật thuộc loại quý hiếm mà còn là một biểu tượng tâm linh, lịch sử của đất nước
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)