Ai bồi thường thiệt hại khi bản án tuyên sai đã thi hành án?

Phan Thương
Phan Thương
20/03/2022 07:02 GMT+7

Quyết định giám đốc thẩm nhận định bản án phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa vợ chồng ông Hồ Quốc Hùng và bà Nguyễn Thị Khánh Ly là không đúng. Tuy nhiên, khi xét xử lại lần 2, tài sản tranh chấp đã bị thi hành án.

Sự việc hy hữu trên xảy ra tại TX.La Gi (Bình Thuận). Cụ thể, ngày 12.6.2014, vợ chồng ông Hùng bán căn nhà khoảng 225 m2 tại TX.La Gi cho bà Ly, nhằm giải chấp căn nhà tại ngân hàng theo thỏa thuận giữa các bên (trong đó có ngân hàng - PV). Tuy nhiên, căn nhà sau đó bị Chi cục Thi hành án dân sự TX.La Gi kê biên, bán đấu giá do vợ chồng ông Hùng đang phải thi hành một quyết định công nhận sự thỏa thuận tại tòa án trước đó, buộc trả một khoản nợ hơn 1,5 tỉ đồng cho người khác - bà P.D.T.

Người bị thiệt hại trong vụ án - bà Nguyễn Thị Khánh Ly đang tiếp tục gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền

PHAN THƯƠNG

Quá trình kê biên, bán đấu giá phải tạm dừng với lý do còn tồn tại hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Hùng với bà Ly. Từ đó, Chi cục Thi hành án dân sự TX.La Gi yêu cầu các bên khởi kiện ra tòa để hủy hợp đồng chuyển nhượng.

Đã thi hành án bản án phúc thẩm

Xử sơ thẩm vào tháng 2.2016 và phúc thẩm tháng 7.2016, TAND TX.La Gi và TAND tỉnh Bình Thuận đều tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa ông Hùng và bà Ly. Theo HĐXX 2 cấp, việc chuyển nhượng tài sản của vợ chồng ông Hùng có dấu hiệu tẩu tán tài sản; hơn nữa tiền bán được tài sản, ông Hùng không thực hiện nghĩa vụ thi hành án cho bà P.D.T nên giao dịch vô hiệu.

Không đồng ý, tháng 9.2016, bà Ly có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm trên. Tháng 3.2018, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm nhận định việc chuyển nhượng tài sản giữa ông Hùng và bà Ly xảy ra trước khi nhà đất này bị cưỡng chế, kê biên để thi hành án, và thực tế là để thanh toán khoản nợ trước đó của vợ chồng ông Hùng với ngân hàng mà căn nhà là tài sản thế chấp, chứ không phải là hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ; hợp đồng được các bên tự nguyện thỏa nguyện, công chứng đúng theo quy định pháp luật, giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Vì vậy, cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Hùng và bà Ly là không đúng. Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị xét xử lại từ đầu.

“Éo le” là, khi hồ sơ quay trở lại TAND TX.La Gi và đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2, thì tài sản liên quan đã bị thi hành án theo bản án phúc thẩm hồi tháng 7.2016 (thi hành án vào tháng 9.2016).

Tại bản án sơ thẩm lần 2 ngày 26.1.2022, HĐXX nhận định nội dung quyết định giám đốc thẩm là đúng. Tuy nhiên, khi bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền thi hành án đã bán đấu giá tài sản hợp pháp, giao tài sản cho người thứ 3. Do đó, HĐXX cần căn cứ vào quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người thứ 3 ngay tình. Vì vậy, cấp sơ thẩm lần 2 vẫn tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Ly, về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa vợ chồng ông Hùng và bà.

Bức xúc, bà Ly nói: “Vậy quyền lợi của tôi ai đảm bảo. Ngay từ đầu tôi cũng là người thứ 3 ngay tình, sao tòa không bảo vệ. Bây giờ tài sản tôi bị mất do một bản án tuyên không đúng, vậy ai phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi”.

Phải đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đánh giá về bản án, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, người bị thiệt hại là bà Ly có quyền yêu cầu HĐXX phúc thẩm bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, từ hành vi có nhận định, ra bản án không đúng, dẫn đến tài sản bị kê biên, bán đấu giá và bà Ly bị mất tài sản.

“Bản án phúc thẩm về nguyên tắc có hiệu lực pháp luật ngay, đương nhiên được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án. Trừ trường hợp hoãn theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo luật định. Vì vậy, nếu có một quyết định nhận định bản án phúc thẩm sai, dẫn đến phát sinh thiệt hại thì phải đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại”, thạc sĩ Quang phân tích.

Theo thạc sĩ Quang, quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 2, khi đối tượng tranh chấp không còn, thì cấp sơ thẩm, phúc thẩm phải giải quyết hậu quả pháp lý liên quan. Cụ thể là vấn đề ai sẽ phải chịu trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi cho người bị thiệt hại.

“Khi có một bản án có hiệu lực pháp luật nhận định bản án phúc thẩm lần 1 sai; hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; thì từ đó, người bị thiệt hại có quyền làm căn cứ để yêu cầu tòa án bồi thường”, thạc sĩ Quang phân tích thêm.

Theo luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu bà Ly muốn yêu cầu bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thì phải có văn bản làm căn cứ để yêu cầu bồi thường theo điều 10, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Quyết định giám đốc thẩm có phải là căn cứ yêu cầu bồi thường?

Bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Khánh Ly, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết đã gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị giải thích một số quy định trong luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, để cơ quan nhà nước và người bị thiệt hại có cách hiểu thống nhất và dễ dàng hơn trong việc áp dụng quy định.

Theo luật sư Tú, khoản 6, điều 10, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có quy định về “văn bản khác” làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự. Vậy, “văn bản khác” là văn bản nào và có hay không quyết định giám đốc thẩm cũng được hiểu là “văn bản khác”. Luật sư Tú cho rằng khoản 6, điều 10, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định trường hợp “văn bản khác” cũng được coi là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, nếu văn bản đó đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 5, điều 3, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định…

Vì vậy, theo luật sư Tú, nếu quyết định giám đốc thẩm “xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thì quyết định giám đốc thẩm đương nhiên là “văn bản khác” theo khoản 6, điều 10, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.