Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận nhân dân tệ (CNY) là đồng tiền dự trữ là cột mốc cho các nỗ lực quốc tế hóa bản tệ của Trung Quốc, song lại là dấu hiệu sụt giảm cho các đồng tiền mà CNY thay thế.
Từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền SDR - Ảnh: Reuters |
Theo CNBC, từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). 11% không lớn nhưng là con số phần trăm mang tính biểu tượng cho việc nhân dân tệ có mặt trong giỏ tiền này.
Giỏ SDR hiện có mặt đô la Mỹ, bảng Anh (GBP), yen Nhật và euro. Đây là những đồng tiền sẽ được IMF giải ngân khi cần viện trợ tài chính. Quyết định thêm CNY vào giỏ sẽ tăng nhu cầu về đồng tiền này trên thế giới.
Việc CNY được đánh giá cao đồng nghĩa với chuyện các đồng tiền khác trong giỏ sẽ ít nhiều mất đi thị phần. Đơn cử là EUR - đồng tiền có thể sẽ giảm 6,5 điểm phần trăm và bảng Anh - đồng tiền sẽ giảm khoảng 3,2 điểm phần trăm.
GBP là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới vào những năm 1870, trước khi bị USD vượt qua vào thập niên 1920. Trong giỏ SDR, bảng Anh chiếm khoảng 11% trong vài thập niên qua và đã tăng lên được khoảng 11,3% hồi năm 2010. Theo số liệu của IMF, bảng Anh hiện chỉ chiếm 4 đến 5% dự trữ ngoại tệ chính thức của thế giới.
Đồng euro thì gia nhập giỏ tiền SDR sau khi được đưa vào sử dụng năm 1999. EUR góp mặt thay thế đồng franc Pháp và mark Đức. Năm 2010, EUR chiếm 37,4% trong giỏ tiền của IMF. Nếu sụt giảm thì đây sẽ là lần đầu tiên đồng tiền chung châu Âu mất thị phần. Trên thế giới, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng EUR đã giảm từ 27% vào năm 2010 xuống 20% trong năm nay.
Cả GBP và EUR đều đã giảm tương đối nhẹ so với USD, sau khi IMF công bố việc chấp nhận CNY vào giỏ tiền của tổ chức.
Thực tế, các thay đổi kể trên tuy nhỏ, nhưng việc một đồng bản tệ là đồng tiền dự trữ của thế giới đem lại lợi ích cho kinh tế một nước. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo trong 10 năm tới, khi nhân dân tệ có vai trò lớn hơn trên toàn cầu, sẽ có khoảng 2.000 tỉ USD chảy vào tài sản đồng nhân dân tệ.
Đã có 40 ngân hàng trung ương thế giới thêm CNY vào quỹ dự trữ của họ trong các năm từ 2010 đến 2014. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài cần đi, trước khi đủ sức đe dọa đô la Mỹ - đồng tiền hiện chiếm 60% dự trữ ngoại hối thế giới và 42% trong giỏ tiền SDR. Thị trường Trung Quốc vẫn còn ít mở cửa hơn nhiều thị trường quốc tế khác nhỏ hơn, chẳng hạn như Na Uy.
Một số quốc gia dường như bị thúc đẩy bởi các tham vọng chính trị, thách thức vị trí đồng tiền chi phối tiền tệ thế giới của USD hiện tại. Với mức phát triển của việc sử dụng CNY trong giao thương quốc tế và độ mở rộng trong tầm ảnh hưởng của CNY trên thế giới, có thể trong 5 năm tới, đô la Mỹ sẽ mất vị trí dẫn đầu trong giỏ tiền SDR.
Bình luận (0)