Nhưng câu hỏi lớn hơn rằng ai sẽ chịu trách nhiệm cho những hệ lụy nói trên thì lại chưa được đặt ra.
Có thể do chúng ta chưa bao giờ đo lường những thiệt hại mà người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế phải gánh chịu từ việc điều hành chính sách giựt cục, thiếu linh hoạt, chưa phù hợp nên câu hỏi về trách nhiệm vẫn bỏ lửng.
Cũng chính vì thế, thị trường BĐS cứ thỉnh thoảng lại bị can thiệp thô bạo dẫn đến những cơn nóng - lạnh đột ngột như hiện nay. Tại sao những việc vô lý như vậy vẫn tồn tại? Nguyên nhân của mọi nguyên nhân có lẽ là từ sự nhìn nhận chưa đúng về vai trò, vị trí, đóng góp của BĐS trong nền kinh tế mà chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực là chiêu trò thổi giá, bán dự án ma, đấu giá đất ảo, các cơn sốt... Nhưng ngay cả ở khía cạnh tiêu cực, công bằng mà nói, một phần lỗi rất lớn ở các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Hãy mổ xẻ tình trạng giá BĐS quá cao hiện nay để thấy rõ điều này. Có thể khẳng định rằng đầu tiên là do thời gian làm thủ tục một dự án từ khi xin phê duyệt chủ trương đến khi ra thị trường quá dài. Ít thì mất vài năm, nhiều có khi hàng chục năm, cá biệt có dự án tới vài chục năm vẫn không thể thực hiện.
Chẳng nói đâu xa, mới đây thôi Hiệp hội BĐS TP.HCM tiếp tục thống kê hàng trăm dự án kêu cứu vì thủ tục nhưng cũng như những lần trước đó, không có kết quả. Cứ cơ quan nọ đá bóng trách nhiệm sang cơ quan kia và rồi dự án treo, sổ đỏ treo, quyền lợi treo năm này qua năm khác. Chi phí vốn, chi phí lãi vay, chi phí cơ hội, chi phí lót tay... cộng vào thì đương nhiên, giá phải cao thôi.
Dù vậy cứ mỗi lần nói đến chuyện giá cao, “tội đồ” đầu tiên bị nhắm tới là các chủ đầu tư mà không ai nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngâm hồ sơ của doanh nghiệp. Tương tự chuyện biến tướng sốt ảo, bán dự án ma... lỗi đổ hết cho cò, đầu nậu nhưng nếu chính quyền địa phương làm nghiêm, làm đúng, công khai minh bạch thông tin quy hoạch thì đâu đến nỗi.
Quan trọng hơn, trong khi luôn “soi” các vấn đề tiêu cực thì vai trò, vị trí của BĐS với nền kinh tế luôn bị lãng quên. Ngoài việc đóng góp rất lớn vào nguồn cung nhà ở cho xã hội, sự phát triển của thị trường BĐS trong suốt mấy thập kỷ qua cũng chính là động lực để hàng loạt ngành sản xuất trọng yếu của nền kinh tế như công nghiệp thép, xi măng, xây dựng, đồ gỗ, nội thất, sản xuất, tiêu dùng... phát triển. Các loại hình BĐS công nghiệp, văn phòng cho thuê góp phần không nhỏ vào chương trình thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công trình BĐS du lịch không chỉ khiến Việt Nam được gọi tên trên các diễn đàn du lịch thế giới mà còn đánh thức các vùng đất vốn heo hút, khô cằn, ít ai biết tới thành những điểm đến nổi tiếng toàn cầu. Bộ mặt đô thị được chỉnh trang, hình ảnh đất nước thay đổi... không thể phủ nhận sự đóng góp của ngành BĐS.
Kiểm soát tín dụng vào những chỗ rủi ro là cần thiết nhưng “đánh đồng” áp dụng khiến thị trường BĐS tê liệt, hàng loạt ngành khác bị kéo trì thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi động lực để nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng bị ảnh hưởng?
Bình luận (0)