Ai cũng có quyền dùng vỉa hè, nhưng đừng quên nghĩa vụ

20/12/2013 15:05 GMT+7

Một người bán hàng không nên bày biện hàng hóa sát lòng đường, bởi nó cản trở 2 học sinh tới trường đúng giờ... Và cũng không nên chiếm mất lối đi vỉa hè an toàn của một cụ già đang tới công viên tập dưỡng sinh, đẩy cụ phải run rẩy bước xuống lòng đường đầy xe cộ.

Một người bán hàng không nên bày biện hàng hóa sát lòng đường, bởi nó cản trở 2 học sinh tới trường đúng giờ... Và cũng không nên chiếm mất lối đi vỉa hè an toàn của một cụ già đang tới công viên tập dưỡng sinh, đẩy cụ phải run rẩy bước xuống lòng đường đầy xe cộ.

Xem thêm:
>> Vỉa hè: Miếng ăn khác nhau chỗ nào?
>> Vỉa hè và người bán hàng rong
>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?

 
Một góc vỉa hè ở TP.HCM bị... lấn chiếm hoàn toàn - Ảnh: Giang Phương

Mục Tôi Viết hôm qua đăng bài Vỉa hè: Miếng ăn khác nhau chỗ nào? của blogger Khải Đơn mang lại nhiều cảm xúc cho nhiều người, trong đó có tôi, nhờ ngòi bút giàu tình cảm và nhân văn.

Tác giả đã thể hiện sự bức xúc cao độ với kiểu văn minh nơi một nhóm người có nhà thành phố, có xe hơi muốn đi hẻm rộng nên thấy ức chế khi “lũ người kia” dựng lên gánh hàng rong đầu xóm hay những cuộc chạy tán loạn, ném đồ của người hàng rong lên xe, chửi bới họ...

Đúng. Trong xã hội hàng chục triệu dân ở 2 thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, chắc hẳn cũng có người nghĩ và làm như tác giả đề cập. Song đó không phải là tất cả, là đại diện. Vẫn còn đó số đông người thành thị âm thầm xuống xe đẩy giúp một tay cho anh lái ba gác đang chật vật đẩy xe trên đường dốc; còn đó những anh dân quân tự vệ chạy ra giữa đường dựng xe trái cây vừa đổ xuống và nhặt lại bỏ vào giỏ cho kẻ cần lao. Nếu chúng ta quy kết xấu cho người đô thị, hẳn ta đã phụ lòng ai đó đang âm thầm giúp đỡ những mảnh đời mưu sinh đầy gian khổ

Họ rõ ràng không có ác cảm gì với những người lao động chân quê lên thành phố. Nhưng họ không chấp nhận việc các xe trái cây, các anh ba gác dựng xe và hàng của mình chật kín lối đi vốn chẳng rộng rãi gì. Những người lao động có quyền bán hàng hóa của họ nhưng không phải bất cứ nơi nào họ muốn. Có chợ đầu mối, có chợ ở mỗi khu phố với phí ở chợ không phải là quá sức của những người buôn gánh bán bưng. Họ cũng có nơi có chỗ để hoạt động kinh doanh của mình trong một trật tự chung của đô thị, vốn có nhiều điểm khác so với những nẻo đường quê.

 
Một gánh hàng rong trên đường phố Sài Gòn - Ảnh: Khả Hòa

Đây không phải là phân biệt hay đè ép gì người buôn bán hàng rong. Trên đường phố có những đoạn đường đề biển cấm đỗ với xe ô tô, thậm chí có những đoạn còn cấm dừng, và tất cả xe trong diện cấm đều phải tuân thủ. Quy định của thành phố là vậy, để đảm bảo lợi ích chung cho số đông trên từng tuyến phố. Người bán hàng rong không thể biến vỉa hè, vốn được lập ra để cho người dân đi bộ, trở thành một cái chợ nhỏ tự phát. Như vậy là có lỗi với đông đảo những người đi bộ. Cũng như ô tô dù sang trọng đến mấy cũng không được dừng, đỗ ở những nơi không được phép.

Những người lao động ở khắp miền quê vẫn ngày ngày về Hà Nội, Sài Gòn mưu sinh trong sự chấp nhận một cách hiển nhiên của người dân thành phố. Chắc không ai “thẳng thừng chỉ vào mặt họ và nói: Chúng mày chỉ làm bẩn thành phố, dẹp hàng rong vỉa hè đi cho đẹp sạch văn minh”, bởi như vậy vừa không phù hợp, vừa gây nguy hiểm cho chính người nói như một hậu quả của sự xung đột trực tiếp.

Người thành phố sẵn sàng chấp nhận hàng chục lời mời của những người bán vé số dạo. Dù đang tâm sự với người yêu hay đang tán chuyện với đồng nghiệp, họ đều nhẹ nhàng từ chối hoặc bỏ tiền mua vài vé vừa tìm kiếm cơ hội thắng giải, vừa ủng hộ những người lao động nghèo khổ. Không ai xua đuổi người bán dạo dạng này, bởi lẽ đơn giản: Họ không làm ảnh hưởng tới quyền lợi chung của số đông. Họ hoàn toàn được thực hiện quyền đi bộ trên mọi vỉa hè như những người thành phố khác. Nhưng nếu họ ngồi tụm lại với nhau, bày hàng vé số la liệt ra giữa lối đi, cản trở quyền đi bộ của số đông còn lại, họ tất nhiên phải bị nhắc nhở, xử lý. Điều đó là hợp lẽ. Đó không phải là hành động của những người đô thị giàu có muốn đám dân quê phải “cút đi”, như lời lo ngại của không ít người khi nhìn qua sự việc ổn định trật tự đô thị.

 
Một "chợ" hàng rong tự phát trên đường phố Sài Gòn - Ảnh: Khả Hòa

“Mưu sinh và di chuyển là quyền tự do của hầu hết con người trong cuộc sống này”. Đúng, tác giả nói rất đúng. Miễn là khi thực hiện quyền mưu sinh của mình, họ cũng có nghĩa vụ phải giữ mình không làm cản trở công cuộc mưu sinh cũng vất vả không kém của số người vô hạn trên con đường có chiều rộng có hạn. Một người bán hàng không nên bày biện hàng hóa sát lòng đường, bởi nó cản trở 2 học sinh tới trường đúng giờ, 1 nhân viên giao bánh pizza đang đi giao hàng cho kịp hạn 30 phút quy định kẻo phải bỏ tiền túi đền bánh. Và cũng không nên chiếm mất lối đi vỉa hè an toàn của một cụ già đang tới công viên tập dưỡng sinh, đẩy cụ phải run rẩy bước xuống lòng đường đầy xe cộ.

Tất nhiên, sẽ là lý tưởng nếu TP.HCM hay bất cứ thành phố nào khác ở Việt Nam kịp quy hoạch một đô thị thật hợp lý, nơi những người nghèo đô thị được xếp vào một vị trí đàng hoàng để họ có thể mưu sinh, đóng thuế phù hợp với thu nhập và có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của mình, như mong muốn đầy cháy bỏng và thắm đượm tình nhân văn của nhiều người dân, cả thôn quê lẫn thành phố.

Ai cũng có quyền sử dụng vỉa hè. Nhưng quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ. Nghĩa vụ của mỗi người là khi thực hiện quyền của mình, không được làm ảnh hưởng tới quyền của người khác trên vỉa hè ấy.

Nhật Vy

 * Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, nhà báo sống tại TP.HCM. 

>> Vỉa hè của ai?
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Video: Ông Tây bán xúc xích ở vỉa hè Sài Gòn
>> Vỉa hè đã thông thoáng
>> Còn đâu vỉa hè ? 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.