Johann Wolfgang Döbereiner - người phát minh ra hộp quẹt đầu tiên trên thế giới sinh ngày 13.12.1780 tại Hof, bang Bavaria. Ông là con của một người đánh xe ngựa, không có nhiều cơ hội để đi học chính thức. Vì vậy, ông đã học việc tại một hiệu thuốc bào chế vào năm 1794.
Đèn Döbereiner khoảng năm 1825, thiết kế theo phong cách Gothic Chinoiser |
sellingantiques.co.uk |
Bằng tinh thần tự học, ông đọc nhiều sách, tham dự các bài giảng khoa học, học thêm hóa học tại Strasbourg để rồi cuối cùng trở thành giáo sư hóa học và dược tại Đại học Jena vào năm 1810, làm việc ở nơi này cho đến khi qua đời ngày 24.3.1849, hưởng thọ 69 tuổi.
Loại đèn - hộp quẹt đầu tiên trên thế giới
Döbereiner nổi tiếng với công trình báo trước quy luật tuần hoàn cho các nguyên tố hóa học, gọi là bộ ba Döbereiner. Nhờ việc xác định được các đặc tính xúc tác của bạch kim ông đã phát minh ra chiếc hộp quẹt đầu tiên, gọi là đèn Döbereiner. Người Đức thường gọi là "hộp bật lửa" ("Feuerzeug"), tức cái hộp quẹt. Phát minh này dựa trên đèn Fürstenberger (được sáng chế ở Basel vào năm 1780, hoạt động bằng khí hydro do một tia lửa điện đốt cháy) .
Đèn Döbereiner bao gồm một hình trụ thủy tinh, bên trong là một chai hở treo ở giữa hình trụ. Trong bình là một sợi chỉ treo lơ lửng với một vật bằng kẽm ở đầu dưới. Phía trên cùng của hình trụ là một chìa vặn khóa, một vòi phun và một miếng bọt biển bằng bạch kim.
Hộp hoạt động nhờ sự kích thích của hydro, được tạo ra do tác động của kẽm bên trong hình trụ. Hydro thoát ra qua vòi phun, tiếp xúc với bạch kim nằm ở bên ngoài của xi lanh, được đốt nóng do tác dụng của oxy với bạch kim, tạo ra tia lửa điện.
Đèn Döbereiner (G. Piegler, 1830) |
worthpoint |
Chân dung nhà hóa học Johann Wolfgang Döbereiner của họa sĩ Fritz Ries |
sil.si.edu |
Nhiều nhà khoa học cho rằng hộp quẹt Döbereiner là ứng dụng thương mại đầu tiên của xúc tác dị thể. Từ năm 1823 đến 1880 loại đèn này được bán rộng rãi trên thị trường với tổng số lượng hơn một triệu chiếc. Phần lớn do Heinrich Gottfried Piegler sản xuất, một nhà sản xuất hộp quẹt lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Schleiz, Thuringia, nước Đức.
Loại hộp quẹt này có nhược điểm là sử dụng khí hydro, một loại khí nguy hiểm, cực kỳ nhạy cháy nên có thể tạo ra các vụ nổ, trong trường hợp hít phải một lượng lớn loại khí này thì có thể dẫn tới việc thiếu oxy. Ngoài ra, do bạch kim là vật liệu rất đắt tiền nên hộp quẹt Döbereiner không mang lại nhiều lợi nhuận, tuy nhiên, ngày nay nếu sưu tập được loại hộp quẹt này thì rất có ý nghĩa, vì nó là tiền thân của loại hộp quẹt hiện đại.
Đèn triết gia và hộp quẹt tự cháy
Hiện nay, trên mạng bán một số loại đèn Döbereiner sản xuất từ thế kỷ 19, trong đó có những kiểu đáng chú ý như đèn Döbereiner (1825), một loại hộp quẹt mang phong cách Gothic Chinoiserie, còn gọi là đèn của triết gia, cho thấy sự liên hệ giữa khoa học tự nhiên và triết học.
Loại đèn - hộp quẹt này cao 21cm, nặng 929 gram, làm bằng đồng thau sẫm màu, tráng men, có mái vòm kiểu Gothic và bìa lá cứng gắn hình người Trung Quốc với những cánh tay có thể di chuyển được.
Chiếc đèn xúc tác tự cháy này xuất hiện trên thị trường với tư cách là một phát minh mới lạ mang tính khoa học xa xỉ hơn là cạnh tranh thương mại quyết liệt đối với bùi nhùi và đá lửa. Đây là một tác phẩm hiếm hoi, chỉ còn thấy hai cá thể tương tự trong Bảo tàng Khoa học London và Bảo tàng Lịch sử Khoa học Oxford.
Đèn Döbereiner (khoảng năm 1860) |
auction.fr |
Loại thứ hai là hộp quẹt Döbereiner giống như cái bình hình trụ có nắp, mang nhãn hiệu SPM và Đại bàng Phổ, sản xuất năm 1860 cho Friedrich Adolph Schumann ở Berlin. Thiết bị này cao 15,24cm, phần trên làm từ 3 vật liệu là đồng thau, sứ men trắng với hoa vẽ tay, mạ vàng một phần; ở dưới là một chai thủy tinh, bên trong chứa lõi kẽm với miếng bọt biển bạch kim.
Tuy Johann Wolfgang Döbereiner được xem là người phát minh hột quẹt đầu tiên, song bạn ông, nhà thơ J.W. von Goethe mới là người chế tạo chiếc hộp quẹt tự động đầu tiên trên thế giới vào năm 1822.
Bình luận (0)