Như Thanh Niên đã phản ánh, bất chấp các quy định của pháp luật về mô hình hoạt động của trường đại học ngoài công lập, GS Trần Phương đã giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gần 30 năm. 4 năm nay HUBT hoạt động mà không có hội đồng trường, trái quy định của luật Giáo dục đại học.
Ngoài ra, một trong những nội dung tố cáo của ông Lại Việt Hùng gửi tới báo chí là việc ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực HUBT dùng chữ ký "khô" của GS Trần Phương từ nhiều năm nay để điều hành hầu hết các hoạt động của trường.
Chữ ký của GS Trần Phương hiện diện ở bằng tốt nghiệp đại học, cao học, tiến sĩ; ở các văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền… Thậm chí, nó hiện diện ở các văn bản liên quan tới hoạt động thu chi tài chính của một đơn vị mà doanh thu hàng năm ước đạt 350 - 400 tỉ đồng từ nguồn tiền học phí.
Theo ông Lại Việt Hùng, người đại diện cho các nhà đầu tư có số vốn ở HUBT chiếm hơn 40%, tất cả các chữ ký đó đều là chữ ký khô, tức là có ai đó sử dụng con dấu khắc chữ ký của GS Trần Phương rồi đóng lên các văn bản và đưa cho ông Nguyễn Công Nghiệp để ông Nghiệp "điều hành" Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Theo một số cán bộ quản lý của HUBT thì từ nhiều năm nay họ không thấy GS Trần Phương xuất hiện ở trường, dù vẫn nhận được văn bản chỉ đạo ký tên hiệu trưởng. Lần gần nhất GS Trần Phương đến trường diễn ra cách đây hơn 4 năm (vào tháng 2.2019), khi ban giám hiệu gặp mặt cán bộ đầu xuân.
Còn theo TS Nguyễn Kim Sơn, vào tháng 10.2020, khi ông cùng đoàn tổ chức hội nghị trù bị nhà đầu tư đến nhà GS Trần Phương thì ông vẫn giao tiếp trong trạng thái bình thường. Nhưng khoảng 3 năm nay, GS Trần Phương đã không còn xuất hiện trong bất kỳ hoạt động nào của trường; Có một luật sư đại diện cho ông tham dự các cuộc họp của ban giám hiệu hay làm việc với lãnh đạo các đơn vị trong trường, để nắm tình hình hoặc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chính mình.
Báo Thanh Niên đã liên hệ với ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực HUBT để hỏi một số nội dung liên quan tới các nội dung tố cáo của nhóm nhà đầu tư. Khi được hỏi về việc có phải GS Trần Phương đang ốm và không đủ sức khỏe cũng như ý thức để trực tiếp điều hành các hoạt động của trường, thì ông Nghiệp trả lời: "Việc này phải hỏi Ban Bảo vệ sức khỏe T.Ư, GS Trần Phương thuộc quản lý của Ban Bảo vệ sức khỏe T.Ư" (?).
Hậu quả khôn lường từ chữ ký khô của hiệu trưởng
Theo ông Hùng, việc dùng chữ ký khô của GS Trần Phương để điều hành của ông Nghiệp không chỉ "lừa" các nhà đầu tư mà còn là vi phạm pháp luật, gây hậu quả khôn lường tới người học. Ông Hùng nói: "Việc dùng chữ ký khắc gỗ của một người không có năng lực hành vi dân sự, không có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý để cấp bằng tốt nghiệp là không hợp pháp".
Còn TS Nguyễn Kim Sơn, nguyên trợ lý hiệu trưởng, nguyên Chánh Văn phòng HUBT, giai đoạn khủng hoảng về quản trị của HUBT bắt đầu từ năm 2017, thời điểm GS Trần Phương bắt đầu lâm bệnh. Việc này khiến cho người đứng đầu pháp nhân của HUBT dần dần không trực tiếp lãnh đạo trường.
Từ năm 2018, tất cả các văn bản có chữ ký của GS Trần Phương đều là chữ ký khô. Đáng lưu ý, con dấu trên đó khắc chữ ký khô của GS Trần Phương không phải do đơn vị chức năng (là văn phòng của trường) quản lý theo quy định mà do con gái của GS Trần Phương (bà Vũ Ngọc Uyên) giữ tại tư gia. Mỗi lần cần có chữ ký của GS Trần Phương là nhà trường phải cử người đưa văn bản, hồ sơ đến nhà riêng của GS Trần Phương gặp bà Uyên để được đóng dấu chữ ký vào.
"Ban giám hiệu và một số người cầm quyền hiện nay đã lợi dụng tình trạng sức khỏe và sự vắng mặt của GS Trần Phương, làm việc không tuân theo quy chế của trường và các quy định của pháp luật, không vì lợi ích chung của trường và sinh viên", TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Một số nhà đầu tư còn cho rằng, việc có trong tay chữ ký khô của hiệu trưởng/chủ tịch hội đồng trường HUBT đã giúp một số người thao túng mọi hoạt động của HUBT. Nhiều văn bản nhân danh HUBT gửi các cơ quan chức năng, hoặc đại diện lãnh đạo HUBT ký kết các văn bản quan trọng, mà không phải do đơn vị chức năng của trường soạn thảo cũng như không hề được thông qua hội đồng quản trị trước đây của trường.
"Chữ ký khô của GS Trần Phương cũng là mối đe dọa mất vị trí công tác, việc làm với cán bộ, giảng viên của trường, buộc họ phải tuân thủ ý muốn của nhóm lợi ích sở hữu chữ ký khô", TS Nguyễn Kim Sơn bức xúc.
Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, tháng 11.2021, GS Trần Phương đã ký quyết định đình chỉ chức danh phó hiệu trưởng thường trực của ông Đinh Văn Tiến.
Mới đây nhất, ngày 19.3.2024, HUBT đã phát hành trong nội bộ nhà trường quyết định có chữ ký của GS Trần Phương phân công nhiệm vụ các phó hiệu trưởng, trong đó phân công ông Nguyễn Công Nghiệp (phó hiệu trưởng thường trực) thay mặt hiệu trưởng điều hành chung mọi hoạt động của nhà trường, đại diện chủ tài khoản và thực hiện mọi công việc liên quan tới tài khoản của nhà trường…
Trước đó, ngày 18.3.2024, trong HUBT xuất hiện một công văn có tiêu đề "Chỉ đạo của hiệu trưởng về việc trình ký văn bản, tài liệu, hồ sơ công việc", trong đó yêu cầu tất cả văn bản trình xin ý kiến hiệu trưởng/chủ tịch hội đồng trường phải có chữ ký nháy của ông Nghiệp.
Những văn bản trên đều được ký bằng chữ ký "khô" của GS Trần Phương.
Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo
Ngày 25.3.2024, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi HUBT đề nghị trường báo cáo Bộ về một số nội dung như: Hiện GS Trần Phương có điều hành công việc hàng ngày của HUBT với chức vụ hiệu trưởng theo quy định của pháp luật hay không? Báo cáo toàn bộ nội dung về việc sử dụng dấu chữ ký của GS Trần Phương; trường tự đánh giá về việc bảo đảm quy định pháp luật trong việc sử dụng dấu chữ ký của GS Trần Phương và các nội dung khác. Thời hạn báo cáo là ngày 30.3.2024. Tuy nhiên, cho đến ngày 10.4.2024, Thanh tra Bộ GD-ĐT vẫn chưa nhận được báo cáo theo yêu cầu.
Bình luận (0)