Ai kiểm dịch thịt chó? - Kỳ 2: Cầy tơ 3 không

30/10/2012 03:25 GMT+7

Không chỉ Hà Nội, tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương..., nơi mỗi ngày có hàng tấn thịt chó được tiêu thụ, nhưng vấn đề kiểm dịch chất lượng hầu như không có.

>> Ai kiểm dịch thịt chó ?

Lò giết mổ dã chiến

Ở TP.HCM, nói đến thịt cầy không ai là không biết đến chợ Ông Tạ (Q.Tân Bình), chợ Xóm Mới (Q.Gò Vấp), chợ lề đường TMT 13 (Q.12). Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt chó tại những nơi này phần nhiều được bày bán ở lề đường, chủ yếu lấy hàng từ các lái buôn chó, sau đó giết mổ rồi đem giao sỉ cho các quán cầy tơ khắp nơi. Riêng hàng bày ở chợ chỉ bán cho những thực khách có nhu cầu mua về nhà sử dụng hoặc đặt hàng mỗi khi có tiệc tùng. Tại đây, những lò giết mổ chó tạm bợ len lỏi trong khu dân cư, hằng đêm “hóa kiếp” hàng trăm con chó để giao sỉ cho các quán cầy tơ trong thành phố.

Thịt chó 
Thịt chó không qua kiểm dịch được bày bán tại các chợ

 

Ở chợ này thỉnh thoảng mấy ông thú y qua lại, nhưng chỉ bắt thịt gà, thịt heo thôi, còn thịt chó thì vô tư

Một người bán thịt chó

Dạo quanh một vòng các chợ cầy tơ có tiếng, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy thịt chó bày la liệt trên những chiếc bàn bẩn thỉu, không được che đậy. Tất cả các loại thịt chó được bày bán đều không có dấu hiệu nào cho thấy có kiểm dịch. “Mua thịt chó đi anh, không đâu rẻ bằng ở đây, cầy tơ chính hiệu, ăn một lần sẽ nhớ mãi”, một chị bán thịt chó ở chợ lề đường TMT (Q.12) chào mời. Anh T., một người bán thịt chó có thâm niên 10 năm ở chợ này, cười khẩy khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc và việc kiểm dịch. “Làm gì có chó lậu. Ở chợ này thỉnh thoảng mấy ông thú y qua lại, nhưng chỉ bắt thịt gà, thịt heo thôi, còn thịt chó thì vô tư”, anh nói. Tại chợ lề đường Phạm Văn Bạch nằm giáp ranh P.15 (Q.Tân Bình) và P.12 (Q.Gò Vấp) cũng có 5 quầy chuyên bán thịt chó. Nguồn thịt ở đây đa phần lấy ở lò mổ của ông H. (P.12, Q.Gò Vấp), vốn hoạt động từ hơn 10 năm nay.

Trong vai người đi mua thịt chó, sáng sớm 27.10, chúng tôi vào lò mổ của ông H. Gọi là lò mổ, nhưng nơi đây chỉ là căn nhà cấp 4 được chia làm hai khu. Khu ở của chủ và thợ, khu còn lại dành để nhốt chó sống và nơi giết mổ. Khu giết mổ nằm cạnh nhà vệ sinh hôi thối, cộng với mùi tanh lờm lợm của chất thải khiến chúng tôi buồn nôn. Trên nền xi măng nhơm nhớp nước, ông H. chẳng ngần ngại liên tục giẫm chân lên những chú chó vừa làm thịt xong. Lúc tôi đến, thấy ông đang dùng kẹp siết cổ và lôi một chú chó từ trong lồng ra, dùng gậy đánh mạnh vào đầu; chú chó chỉ kịp giật hai chân rồi lè lưỡi. Ông H. chọc tiết xong và quẳng vào máy vặt lông, sau đó chuyển sang công đoạn thui. Vợ ông H. nhúng cả con chó vào một thau nước màu vàng rồi dùng khò gas thui chó; trong tích tắc cả con chó vàng ươm thơm phức. “Anh mua hàng ở đây là chó sống trăm phần trăm. Nếu anh xuống chợ Quang Trung thì chỉ toàn chó chết, chó đánh bả, chó bị nhồi nước bẩn là cái chắc”, ông H. vừa nói vừa cầm 350.000 đồng của chúng tôi trả để mua 5 kg thịt chó.

Đầy rẫy quán thịt chó ba không

Khu vực Hố Nai (TP.Biên Hòa) là nơi tiêu thụ thịt chó với số lượng lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Tại đây, quán thịt chó mọc lên dày đặc, nằm san sát nhau. Dân nhậu kháo nhau, nổi tiếng nhất là các quán cầy Nam Định, Hải Phòng, Thui Rơm, A Tư, Anh Mập, Ba Miền... Các quán cầy này chuyên chế biến từ 7-9 món như rựa mận, hấp, quay chảo, dồi chiên, xáo măng. Mỗi quán có một “độc chiêu” riêng, nên vào các buổi chiều, nếu đến trễ là hết bàn. Đó là trên các tuyến chính, còn đường nhánh vào các khu dân cư, gần như đường nào cũng có quán thịt chó.

Mục sở thị một quán thịt chó nổi tiếng tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), PV Thanh Niên ghi nhận quán lúc nào cũng tấp nập khách từ trưa đến chiều. Phía sau quán, một sàn nước được lót tạm bằng bê tông đã bị rệu mục, nước thải xả tràn lan, cộng với mùi hôi của chó sống nuôi nhốt gần đó bốc mùi nồng nặc. Tuy nhiên, nhiều người rất kết quán này, vì thịt chó được làm tại bàn. Khách ngồi ăn có thể chứng kiến đầu bếp lóc thịt, xương, da rồi nấu tại chỗ.

Anh Tuân (chủ quán thịt chó tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) tiết lộ: “Mở quán thịt chó cũng chẳng cần vốn lớn, chỉ cần thuê mặt bằng, dọn vài cái bàn nhựa, mua bộ bếp nấu, chén đĩa và đặt biển hiệu bán bình thường, không cần phải đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, mà chỉ cần đến tháng đóng thuế, phí đầy đủ là bán vô tư”. Còn bà Nâu, có 5 quán thịt chó hoạt động ở Biên Hòa hơn 7 năm nay, nói: “Trong kinh doanh ăn nhậu, bán thịt chó là khỏe nhất. Bởi thịt chó “ba không” (không kiểm dịch, không đăng ký nguồn gốc, không đăng ký kinh doanh) mà lại dễ bán. Nhu cầu cao nên nguồn cung cấp chó cũng rất dồi dào. Một mặt do không ai quản lý việc buôn bán, giết mổ chó nên mua thịt chó còn dễ hơn mua rau".

Toàn TP.Biên Hòa có khoảng 40 chợ lớn nhỏ và hầu hết đều bán thịt chó. Ngoài chó sống bán tại chỗ, còn có chó làm sẵn, bán kèm gia vị và huyết, phủ tạng, người mua cũng chẳng cần hỏi nguồn gốc, chỉ lật qua lật lại con chó rồi trả giá mua liền.

Anh Bính, một lái chó tại khu vực Hố Nai, tiết lộ: "Hầu hết các lái chó hiện nay đều thu mua từ phường trộm cắp, đánh bả. Còn nguồn chó nuôi nhốt sạch hầu như không có. Vì vậy, đối với các loại chó câu trộm và đánh bả, chó ghẻ, chó chết, thường được các chủ quán phân loại và dùng công nghệ “phù phép” để trở thành món khoái khẩu. Nếu chó khỏe, các lái chó sẽ cho uống nước thật no để khi cắt tiết được nhiều máu, có màu đỏ tươi rất đẹp và để cân cho nặng ký; còn chó gầy, chó bệnh, chó chết thì phân loại, bán cho các chợ. Sau đó, người bán sẽ cạo sạch ghẻ lở, bôi phẩm màu và thui vàng rồi bán lẻ từng ký tại chợ".

 Thịt chó
Cảnh "thổi" trọng lượng của các lái chó - Ảnh: Hoài Nam
Vận chuyển chó đi tiêu thụ
Một lái chó vận chuyển chó đi tiêu thụ trên QL1A (Đồng Nai) - Ảnh: Bá Dương

Hoài Nam - Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.