Lúng túng
Tại TP.HCM từ những năm trước đã có nhiều cuộc họp đề cập về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với việc giết mổ, chế biến thịt chó. Phía Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, đích thân người của chi cục cũng đã từng sang Hàn Quốc (nơi cũng có nhiều người dùng thịt chó) để tìm hiểu về việc quản lý giết mổ, chế biến thịt chó. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, ngay ở Hàn Quốc họ cũng không chính thức ban hành các văn bản quy định về giết mổ chó, bởi về tính chất nhân đạo nó trái với thông lệ thế giới, con chó được xem là vật nuôi trong nhà, không giết mổ lấy thịt.
|
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nói: “Không phải các cơ quan quản lý không quan tâm, mà đã có nhiều lần bàn về vấn đề này (quản lý giết mổ chó - PV). Tuy nhiên, cơ quan quản lý thú y bị rối về việc, nếu chính thức ban hành các văn bản về giết mổ chó thì sẽ đụng với quy định chung của quốc tế về bảo vệ con vật nuôi”. Ông Phan Xuân Thảo, cho biết Sở NN-PTNT TP.HCM đã từng có văn bản gửi Bộ về vấn đề kiểm soát giết mổ chó.
|
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, đến giờ, chúng ta chưa ban hành quy trình kiểm soát giết mổ, vận chuyển và buôn bán thịt chó. Nguyên nhân chính là do, nhiều tổ chức trên thế giới phản đối việc giết mổ chó để lấy thịt làm thực phẩm. “Khi soạn thảo thông tư chúng tôi có đưa cả quy định về giết mổ chó nhưng trước phản ứng của các tổ chức quốc tế đành phải bỏ quy định này ra”, ông Kỳ nói.
Nguy cơ nhiễm độc
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Phó khoa Xét nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM), khi thịt chó đã qua chế biến thì người tiêu dùng không thể biết được, thịt đó từ chó bệnh, chó chết, chó dại, hay chó bình thường. Nếu chế biến không chín, hoặc dùng dạng tiết canh, thì sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh, trong đó đáng ngại nhất là bệnh dại.
“2-3 năm trở lại đây, Viện Pasteur TP thường tiếp nhận những trường hợp đi thu gom chó, người giết mổ, chế biến thịt chó đến Viện tiêm ngừa phòng bệnh dại. Vì trong khi giết mổ, chế biến chó những người này có nguy cơ bị chó cắn, hoặc bị đứt tay, trầy xước, hoặc trên người có sẵn vết thương thì rất dễ bị lây nhiễm bệnh từ chó. Nguồn lây bệnh có thể là từ máu, hay nước bọt của chó”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho hay.
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP VN) lưu ý thêm: “Đối với những trường hợp người ta ăn trộm chó bằng cách bẫy cho chó chết bằng bả thức ăn có tẩm thuốc độc, rồi đem bán cho các lò giết mổ, thì nguy cơ người sử dụng có thể cũng bị nhiễm độc tố đó. Đó là chưa nói, những chú chó chết được xử lý phù phép bằng các loại hóa chất, phụ gia độc hại”.
Ông Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, hiện nay chúng ta đang “bỏ ngỏ” công tác kiểm soát giết mổ chó nên nguy cơ mất ATVSTP của thịt chó và các sản phẩm từ chó là rất cao. “Đúng là có những cái vướng khi ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải ngồi lại để tìm ra những giải pháp phù hợp, chứ cấm giết mổ thì không được, còn để tình trạng như hiện nay tiếp diễn thì không ổn một chút nào”, ông Quang Anh nói.
Nhiều vụ ngộ độc liên quan thịt chó Tổng hợp của Thanh Niên cho thấy, những năm qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến thịt chó, trong đó có những vụ nghiêm trọng gây chết người. Tại Hải Hậu (Nam Định), 15 người trong tổng số 40 người ăn cỗ tại một lễ ăn hỏi đã bị ngộ độc vì ăn thịt chó. Tại Hải Phòng, Trung tâm y tế Q.Ngô Quyền từng ghi nhận vụ ngộ độc thịt chó với số nạn nhân lên tới 50 người. Bệnh viện đa khoa Cần Thơ cũng từng tiếp nhận 4 người bị ngộ độc do ăn thịt chó, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong. Liên tiếp trong hai năm 2009 và 2010, cơ quan chuyên môn phát hiện các mẫu thịt chó trên địa bàn Hà Nội nhiễm vi khuẩn tả, liên quan trực tiếp đến ca mắc phẩy khuẩn tả trên người trong các đợt dịch tả xảy ra ở mước độ nghiêm trọng nên các làng “giết mổ chó” tại Dương Nội (Q.Hà Đông) và Đức Giang (H.Hoài Đức) bị buộc phải tạm đóng cửa. Q.Duẩn |
Thanh Tùng - Quang Duẩn
>> Ai kiểm dịch thịt chó ?
>> Ai kiểm dịch thịt chó? - Kỳ 2: Cầy tơ 3 không
Bình luận (0)