Gần 60% bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích tham gia cuộc nghiên cứu cho biết, họ cảm thấy khỏe hơn sau khi dùng giả dược mỗi ngày 2 lần, so với 35% bệnh nhân ở nhóm đối chứng. Ông Ted Kaptchuk thuộc Trường Y Harvard và Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định những viên giả dược này không có thành phần hữu ích nào ngoài những chất trơ.
Hiệu ứng giả dược đã được ghi nhận gần như khi y học bắt đầu. Giả dược có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu về những loại thuốc hoặc phương pháp điều trị mới. Nói chung các nhà khoa học đã ghi nhận rằng 30-40% bệnh nhân cho biết rằng họ cảm thấy tốt hơn sau khi vô tình dùng giả dược.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người cho rằng một viên giả dược không có tác dụng nếu bệnh nhân biết đó là giả dược. Nhằm tìm hiểu tác dụng thực sự của giả dược, ông Kaptchuk và các đồng nghiệp đã tuyển chọn 80 bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, tức IBS, với triệu chứng đặc trưng là đau bụng.
Các tình nguyện viên được cho dùng giả dược và luôn được nhắc nhở về điều này. "Tôi cảm thấy khó xử khi yêu cầu bệnh nhân uống giả dược. Nhưng thật ngạc nhiên, chúng dường như có công hiệu đối với nhiều người trong số họ", Anthony Lembo, một chuyên gia về IBS tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết.
Quyên Quân
Bình luận (0)