11 tuổi với chiếc kèn saxophone trên tay, An Trần đã bắt đầu hành trình âm nhạc của mình một cách thong dong, thoải mái và thơ ngây...
An Trần và bố - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - Ảnh: N.V.C.C |
Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình Dấu ấn của bố (nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn), An Trần đã ngay lập tức thể hiện được “dấu ấn” của mình, dù lúc đó An Trần chỉ mới làm quen với cây saxophone được... hai tháng. Bẵng đi hơn 2 năm, An đã có thể tự tin chơi nhạc hằng tuần ở CLB Sax’n Art và ban nhạc Sài Gòn BigBang, đi diễn một mình ở các sự kiện phù hợp, xuất hiện trong những chương trình lớn như Trịnh Công Sơn 30 năm, Liên hoan Âm nhạc ASEAN One (Thái Lan)... và được chính bố Tuấn giới thiệu với tư cách là một đồng nghiệp trong họp báo của anh.
Được báo chí ưu ái với danh xưng “nghệ sĩ saxophone trẻ nhất VN”, ngoài đời An Trần không quá “cá tính” hay “chững chạc” như khi đứng trên sân khấu theo nhận xét của nhiều người. Ở An Trần vẫn có nét trong trẻo của một thiếu niên, vẫn mang cái ngần ngại của một thiếu nữ, và quan trọng hơn, tính hồn nhiên cần có của một người nghệ sĩ.
An kể, nhạc cụ đầu tiên mà An tiếp xúc không phải kèn saxophone, mà lại là dương cầm, từ năm lên 4 tuổi. Lý do duy nhất mà bố Tuấn giải thích chỉ gói gọn trong chuyện “học piano cho nữ tính”.
“Trong một lần bố đi công tác, ở nhà anh trai chỉ mình học kèn saxophone. Thật sự mình rất thích, nhưng trước đó bố không cho học, bảo là saxophone không hợp với con gái. Khi bố về mình có thổi cho bố nghe bài Bèo dạt mây trôi. Thật bất ngờ là bố lại đồng ý cho theo học. Sau đó, mình học bố là chính”, An nhớ lại.
Dù quyết định chọn kèn saxophone, nhạc jazz làm bạn đồng hành, nhưng An cho rằng chính piano đã giúp An có kiến thức căn bản rất vững chắc về nhạc lý, hòa âm lẫn phối khí. Có lẽ chính sự tiếp xúc với âm nhạc ngay từ sớm đã giúp An có một tâm lý tự tin khi biểu diễn trước đám đông.
“Mình không có lo sợ gì khi diễn, vì khán giả giống như những người bạn của mình thôi. Áp lực chính là thời gian mà mình dành cho saxophone không được nhiều, vì còn phải đi học. Đi học về mình chỉ có thể dành khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng để học với bố. Như vậy thì hơi... ít quá”, An chia sẻ.
An thừa nhận mình may mắn, từ chuyện là con nhà nòi cho đến điều kiện kinh tế. Chính môi trường lý tưởng này cũng giúp An lập ra được cho mình một kế hoạch tương lai khá cụ thể, ví dụ như 15 tuổi sẽ đi học ở Berklee (một trường nhạc danh tiếng của Mỹ, và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng là một trong những sinh viên VN đầu tiên nhận được học bổng ở trường trước đây - PV) và sau đó, có thể trở về VN để hỗ trợ bố trong một dự án giáo dục nghệ thuật và cao xa hơn nữa là cống hiến cho nền âm nhạc VN.
Không như những “hậu duệ” nghệ sĩ khác, An không cố thoát khỏi cái “bóng cả” của bố Tuấn. Với An, được giống bố là một niềm hạnh phúc.
“Không chỉ âm nhạc, bố và mình đều yêu thích nhiếp ảnh. Thật sự bây giờ bố vừa là bố, vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp. Mình nghĩ bố cũng vui như mình, vì từ nay, đã có con gái đi trên cùng một con đường. Ngoài mình thì anh trai dù biết chơi nhạc nhưng lại hỗ trợ ở phòng thu của bố ở mảng công nghệ thông tin”, An bày tỏ.
Dù rất hợp nhau và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng nổi tiếng là yêu chiều con gái, thế nhưng, An kể đôi lúc cũng có tranh luận với bố, bởi mỗi người một thiên hướng khác nhau.
Khi được hỏi theo bố nhiều quá, còn mẹ thì sao? An cho biết ngoài âm nhạc, thời trang cũng là một sở thích mà An “lấy” từ mẹ.
“Cái tên Trần Đàm An Phúc dù nghe hơi... nam tính nhưng có họ ba mẹ và mang ước mơ “bình an hạnh phúc” của bố mẹ dành cho em. Thế nên, mọi thứ em có được hôm nay đều là nhờ tình yêu của bố mẹ hết”, An chia sẻ.
Với chiều cao 1,56 m cùng gương mặt ưa nhìn, có lẽ ước mơ trở thành một fashionista (tín đồ thời trang với phong cách khác biệt - PV) của An Trần cũng sẽ sớm thành hiện thực.
Bình luận (0)