Bản thân tôi, thậm chí là cả thế hệ ông bà đều không rõ cái tên gọi “cục múc” xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng đó là loại kẹo có kích thước khoảng một đốt tay, được làm hoàn toàn từ mật mía, một thứ gia vị phổ biến nhất và luôn hiện diện trong căn bếp của mỗi gia đình Bắc Trung bộ. Và khi nhắc đến kẹo cục múc, người ta lại nhớ tới cả một giai thoại ấm áp và thân thương xuyên từ đầu làng tới cuối ngõ mỗi dịp xuân về.
Ngày trước, muốn ăn kẹo cục múc có hai cách, một là chỉ cần đứng ngóng mẹ về để lục gói kẹo bọc trong lá chuối nằm sâu dưới đôi quang gánh, hai là chờ mấy anh chị “nổi hứng” xin mẹ chai mật mía để tối “đập” kẹo. Dĩ nhiên, cái buổi tối cuối đông đầu xuân dù có lạnh đến mấy thì khoảnh khắc chờ đợi mấy anh chị nấu kẹo cục múc bao giờ cũng thú vị hơn hết.
Kẹo cục múc muốn ngon phải chọn loại mật mía đặc, sánh và theo cách nói của quê tôi là phải “mật mới”. Lửa nhóm lên, một chai mật mía đổ vào nồi to rồi đun cho thật nóng. Ông anh lớn luôn có nhiệm vụ ngồi bên bếp rồi dùng đũa khuấy tròn nồi mật sao cho không bị dính đáy nồi. Mật sôi, từng lớp "sóng" dập dềnh lên xuống như nô đùa giữa lớp bọt ti ti đang chao đảo vì nóng. Mùi thơm của nồi mật mía còn đượm hương nồng của những lát gừng thái sợi khiến ai ai cũng phải hít hà.
Ấy vậy, chọn thời điểm để rút bớt lửa, nhấc nồi mật ra khỏi bếp lại đòi hỏi kinh nghiệm. Thường thì nội tôi cũng là người đứng ra để coi mật đã đủ độ hay chưa bằng cách nhìn vào độ sánh của mật. Người ta còn thử độ non – già của mật bằng cách nhỏ mật vào bát nước lã, dùng ngón tay nắn giọt mật sao cho vừa mềm. Lúc đó, nội sẽ đổ nồi mật ra một cái âu kim loại to rồi để mấy đứa cháu nhào nặn bởi lúc này mật đã sánh lại thành một khối mềm.
tin liên quan
Mứt gừng nguyên lát xinh xinh cho mâm kẹo TếtNhưng có lẽ hứng thú nhất trong các khâu làm kẹo cục múc là cảnh “đập kẹo”. Ấy là việc đặt cả khối mật lên một vật dụng thật cứng mà quê tôi hay dùng cái sừng trâu đóng ở cột nhà đập lên sau đó kéo dài rồi lại đập lên. Cứ lặp đi lặp lại động tác đó cho tới khi khối mật mịn hơn, dẻo hơn thì trộn thêm một ít lạc rang (đậu phộng) rồi đem nặn thành từng sợi trước khi dùng kéo cắt thành từng đốt ngắn. Để cho những viên kẹo lăn lóc mà không bị dính vào nhau, người ta phải dùng thêm bột mì để làm “áo”.
Mâm kẹo cục múc đưa ra, lũ trẻ chúng tôi hí hửng chọn cho mình những viên kẹo đẹp nhất rồi nhanh nhảu bỏ vào miệng ngậm để tận hưởng cái hương vị ngọt ngào của đồng quê. Là kẹo thì dĩ nhiên phải ngọt nhưng vị ngọt đặc trưng của kẹo cục múc tôi cá rằng không loại thực phẩm nào sánh được. Hương thơm và vị ngọt hoàn toàn tự nhiên của mật mía lẫn trong hương nồng của gừng quyện với chút bùi bùi, giòn giòn của lạc chỉ đủ để chúng tôi kiên nhẫn ngậm một lúc rồi nhai ngấu nghiến như sợ ai giành lấy cái tinh túy của kẹo vậy.
|
Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, viên kẹo cục múc bao giờ cũng được tụi nhỏ chúng tôi nâng niu trong tiếng í ới gọi nhau nơi đầu làng. Xúng xính áo mới đón tết, rộn ràng trong tiếng pháo nổ đì đùng, viên kẹo ngọt của mật mía lúc bấy giờ như món quà gói trọn hồn túy của quê hương.
Ngày nay, tết đến, người ta hứng thú với biết bao loại kẹo đa dạng cả về màu sắc lẫn hình dáng mà dường như quên đi một thời kẹo cục múc đã gắn bó ra sao. Thế nhưng, trong một góc nhỏ ký ức của thế hệ 7X, 8X chúng tôi, kẹo cục múc như một nhân chứng về tuổi thơ đầy ngọt ngào và vô cùng hồn nhiên để rồi trong cuộc gặp mặt bạn bè xa xứ ngày đầu xuân, những tiếng cười lại rộn lên mỗi khi nhắc tới hai từ “cục múc”.
Bình luận (0)