Ai phải tầm soát đột quỵ?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
29/01/2019 04:01 GMT+7

Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư nhưng gây tàn phế nhiều nhất. Nếu tầm soát sớm, người bệnh đã có thể “khước từ” tử thần.

Đó là chia sẻ của chuyên gia đầu ngành về đột quỵ ở VN, TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM. Theo ông, cứ 100 người thì có ít nhất 20 người được ghi nhận cho đến cuối đời có thể tử vong do đột quỵ.

Bác sĩ trẻ cũng chết vì đột quỵ

Hơn 200.000 người đột quỵ/năm

Theo thống kê, hằng năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ; tỷ lệ tử vong, tàn phế nặng lên tới 30%. Khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại phần lớn bệnh viện còn hạn chế. Ghi nhận tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM có 97% bệnh nhân đột quỵ đến muộn sau 6 tiếng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Hiện nay mới chỉ tại TP.Cần Thơ, đã bắt đầu có máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla được nhập về hoạt động tại Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ (tên cũ là Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ).
Mới đây, một bác sĩ (BS) 40 tuổi ở TP.Cần Thơ đã đột ngột qua đời vì vỡ mạch máu não. Không ít trường hợp người bình thường bỗng qua đời vì đột quỵ não. Phải chăng dấu hiệu nhận biết bệnh không rõ ràng, hay người bệnh chủ quan?
Trả lời câu hỏi này, TS-BS Trần Chí Cường cho hay có 2 dạng đột quỵ não, đó là nhóm xuất huyết não (vỡ dị dạng hay vỡ phình mạch máu não) chiếm 20% và nhóm nghẽn mạch máu não, chiếm khoảng 80%.
Với những bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ, hay như trường hợp BS ở Cần Thơ là nhóm xuất huyết não. Yếu tố thúc đẩy là tăng huyết áp. Có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não không có triệu chứng báo trước. Số ít có dấu hiệu đau đầu kéo dài, động kinh, hoặc sụp mi mắt.
“BS ở Cần Thơ bị vỡ phình mạch máu não, dẫn đến xuất huyết tràn trong não và tử vong. Với những bệnh nhân như vậy, lúc chưa vỡ thường không có biểu hiện lâm sàng, cho tới lúc nào đó có một cơn tăng huyết áp, hay mạch máu không chịu nổi rồi vỡ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê sâu, nặng sẽ tử vong. Điều tiếc nuối là nếu được tầm soát trước khi vỡ, việc điều trị rất dễ dàng, có thể bình phục hoàn toàn”, BS Cường cho biết.
Nhóm thứ hai là nghẽn mạch máu não thường có triệu chứng báo trước là những cơn thiếu máu não thoáng qua gây chóng mặt, tê yếu nửa bên người, nói khó, miệng méo, có trường hợp mất ý thức tạm thời, té xỉu sau đó tự hồi phục.
Tuy nhiên cũng chính vì nhiều người chỉ có biểu hiện thoáng qua nên chủ quan bị 2 - 3 lần, cho tới khi đột quỵ mới đến bệnh viện.

Ai phải tầm soát đột quỵ?

Theo TS-BS Trần Chí Cường, điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát. Những người có triệu chứng đột quỵ; từng đột quỵ nhẹ hoặc có những yếu tố nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, uống rượu bia nhiều; những người có các triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh cần phải đi tầm soát đột quỵ.
Việc chẩn đoán với cả hai nhóm nguyên nhân gây đột quỵ kể trên, lý tưởng nhất là chụp bằng máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, hình ảnh rõ ràng, xâm lấn bằng 0. Rất nhiều trường hợp đã được phát hiện kịp thời bằng cách này.
Trong điều trị, công nghệ mấu chốt trên thế giới hiện nay là can thiệp trong lòng mạch máu sử dụng DSA (đưa ống theo mạch máu từ đùi lên tới mạch máu não để can thiệp). Sau khi can thiệp có 98% phục hồi, trở lại bình thường.
“Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm của cuộc đời, với bất kỳ ai. Vấn đề là phải hiểu về đột quỵ, nguy cơ, những triệu chứng sớm để tầm soát. Chung quy, để bảo vệ cơ thể không phải là chuyện tầm soát mà là phải giữ gìn sức khỏe. Không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia... Những người khỏe mạnh bình thường, có lối sống lành mạnh thì xác suất đột quỵ rất thấp. Trong khi cũng có nhiều trường hợp chăm chăm đi tầm soát, kết quả không sao rồi về nhậu nhẹt thả ga, hút thuốc lá nhiều hơn thì vô tình việc tầm soát lại làm hại chính mình”, BS Cường lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.