Ai sẽ giám hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19 ?

26/09/2021 00:00 GMT+7

Trẻ mồ côi cả cha mẹ sau dịch Covid-19 cần có người giám hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Báo Thanh Niên vui lòng cho biết các quy định pháp luật liên quan đến giám hộ và quyền thừa kế di sản của trẻ mồ côi. (Hồ Văn Tuyên Q.8, TP.HCM)

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM (ảnh), trả lời vấn đề này như sau:
Pháp luật quy định người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) phải có người giám hộ trong trường hợp không còn cha mẹ.
Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được tòa án chỉ định hoặc trong trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình khi họ ở tình trạng cần được giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (khoản 1 điều 46 bộ luật Dân sự).
Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ thì theo thứ tự ưu tiên, những người trở thành người giám hộ đương nhiên là: (1) anh, chị; (2) ông, bà nội, ông bà ngoại; (3) bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột (điều 52 bộ luật Dân sự). Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi cư trú sẽ cử người giám hộ. Nếu trẻ trên 6 tuổi phải có sự đồng ý của trẻ.
Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ.
Người giám hộ có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; quản lý tài sản do trẻ được nhận thừa kế từ bố, mẹ đã chết; đại diện xác lập các giao dịch dân sự mà theo quy định pháp luật phải có người giám hộ.
Hiển nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ trong trường hợp này, pháp luật quy định điều kiện của cá nhân, pháp nhân làm giám hộ phải thỏa các điều kiện nhất định như: phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và có các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ và không thuộc các trường hợp cấm khác theo quy định của pháp luật. Pháp nhân làm giám hộ phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ và có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Khi cha mẹ trẻ mất, sẽ phát sinh quyền thừa kế di sản. Nếu ba mẹ có di chúc thì việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo di chúc. Di chúc của cha, mẹ để lại di sản cho trẻ thì trẻ đương nhiên được hưởng (dù trẻ chưa thành niên). Nếu di chúc không để lại di sản cho trẻ chưa thành niên thì trẻ vẫn được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
Về hàng thừa kế. Theo quy định, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a, khoản 1, điều 651 bộ luật Dân sự 2015). Căn cứ theo quy định này, trẻ mồ côi được hưởng phần bằng với ông bà nội, ông bà ngoại, các anh chị em khác của mình.
Theo quy định tại điều 21 bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế dưới 15 tuổi thì không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác mà phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Do đó, khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, người giám hộ sẽ đại diện theo pháp luật của trẻ mồ côi. Người giám hộ có trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn khối tài sản cho trẻ và chuyển giao lại khi trẻ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Nguyện ước của người cha mất vì Covid-19: ‘Mình không biết chữ rồi, đừng để các con thất học’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.