(TNTS) Trong cuộc chiến nóng bỏng ở FIFA với hàng loạt quan chức cao cấp bị bắt vì nghi ngờ nhận hối lộ và sự buộc phải ra đi của ông trùm Sepp Blatter, tên tuổi của hoàng tử Ali bin al-Hussein lại nổi lên với cam kết cải tổ cơ quan quyền lực này. Và người ta cũng mong chờ vị trí “đệ nhất phu nhân FIFA” vốn để trống quá lâu sẽ thuộc về công nương Rym al-Ali.
|
Đến giữa tháng 12 năm nay, ông Sepp Blatter mới chịu rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới sau 17 năm “cầm quyền” khi FIFA tổ chức đại hội bất thường bầu ra người kế nhiệm. Và ứng viên sáng giá nhất không ai khác ngoài hoàng tử Ali, người đã phải nhường bước trước ông già Blatter 79 tuổi trong cuộc bỏ phiếu cuối tháng 5 vừa rồi. Nếu Ali thành công cho lần nỗ lực này thì công nương Rym al-Ali sẽ ngồi vào chiếc ghế không chính thức “Đệ nhất phu nhân FIFA” vốn để trống từ khi ông Blatter ly dị người vợ thứ 3 hồi năm 2004.
Từ nhà báo đến công nương
Năm 2004 là năm đại hỷ của hoàng gia bởi sau khi thái tử Tây Ban Nha thông báo đính hôn với Letizia thì Hoàng gia xứ Jordan tưng bừng với tin chuẩn bị đón tiếp cô dâu mới. Đó là nhà báo nổi tiếng của Hãng CNN Rym Brahimi. Một tin bất ngờ và chính người trong cuộc cũng không ngờ mối lương duyên của cô lại khởi đầu từ một sự kém may mắn. Cuộc chiến Iraq nổ ra năm 2003 và người xem CNN rất ấn tượng trước những bản tin tường thuật tại chỗ của nữ phóng viên Brahimi cùng đồng nghiệp Nic Robertson. Nhưng rồi cả hai khiến nhà độc tài Saddam Hussein nổi giận nên bị trục xuất khỏi Iraq sớm. Điểm đến của họ là Jordan và từ đó một cuộc phiêu lưu mới mở ra với Brahimi.
|
Trước tin này, hoàng tử Ali, em trai cùng cha khác mẹ với vua King Abdullah II lúc đó đang chỉ huy lực lượng bảo vệ hoàng gia, đã yêu cầu được gặp nhà báo để cập nhật cho cô tình hình chiến sự vì Jordan là nước láng giềng với Iraq và đang hỗ trợ hàng ngàn người tị nạn đến từ Iraq. Một cuộc gặp định mệnh. Brahi cũng không tưởng tượng rằng cô sẽ có liên quan với hoàng hậu Rania của Jordan - nhân vật mà cô phỏng vấn năm đó. “Một kết cục rất không ngờ của chuyện bị đuổi ra khỏi Iraq”, công nương Rym nói về cuộc hôn nhân của mình. Họ tổ chức đám cưới bí mật vào tháng 4.2004 và một lễ cưới công khai diễn ra vào tháng 9 năm đó. Nữ nhà báo đã chấm dứt 6 năm làm việc cho CNN để bước vào hoàng gia.
Và quê chồng Jordan là một điểm đến mới trong bản đồ chu du khắp nơi của cô. Lớn hơn chồng 6 tuổi, công nương Rym sinh ra ở Cairo (Ai Cập) với cha là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Algeria và quan chức cao cấp của Liêp Hiệp Quốc. “Cha mẹ tôi có rất nhiều bạn bè là nhà báo. Họ thường đến nhà chơi và lúc nào cũng có những câu chuyện tuyệt vời về các sự kiện quan trọng mà họ đưa tin và những điều họ mắt thấy tai nghe”, cô kể về nguồn cảm hứng đã thúc đẩy bản thân theo đuổi nghề báo. Cô lớn lên ở Anh và Algeria rồi đi học ở Pháp và Mỹ với những 4 tấm bằng: Cử nhân địa lý và thạc sĩ văn chương Anh của Đại học Sorbonne (Paris), thạc sĩ nghiên cứu khoa học chính trị của Học viện Chính trị Paris, và thạc sĩ báo chí chuyên ngành quốc tế của Đại học Columbia (Mỹ). Cô thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ả Rập và Ý.
Trước khi dừng chân ở CNN, Brahimi đã làm việc cho nhiều tổ chức truyền thông khác nhau như UPI, BBC, Dubai TV, Bloomberg và Radio Monte Carlo Moyen Orient. Tuy trải qua nhiều thăng trầm cũng như sự cạnh tranh quyết liệt trong đưa tin nhưng khi được hỏi về cảm giác ở cuộc chiến Iraq, cô phải thừa nhận: “Tôi rất sợ. Tôi từng nghĩ rằng chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc và chỉ còn những mâu thuẫn nhỏ. Tôi không nghĩ nó ở quy mô như thế”.
|
|
Từ công nương đến “nhà ngoại giao”
Nếu hoàng tử Ali, 40 tuổi, là người rất tích cực với các hoạt động bóng đá khi cùng lúc giữ 3 chức vụ: Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Jordan JFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Á và Phó chủ tịch FIFA thì công nương Rym, 46 tuổi kiên quyết một tình yêu với báo chí bằng con đường khác. Với cô, nghề báo chân chính là một phần quan trọng của một xã hội lành mạnh và là một ngành dịch vụ công cụ không ràng buộc gì với chính phủ. Cô đã thành lập Viện Truyền thông Jordan ở thủ đô Amman bởi cô nhận thấy một nhu cầu cấp thiết vừa đào tạo kỹ năng, kỹ thuật làm báo đồng thời rèn luyện đạo đức hành nghề vì đạo đức nghề báo vẫn còn là vấn đề nóng của thế giới. Chính tay cô đã giúp thiết lập mối quan hệ giữa viện với các tổ chức như UNESCO, Trung tâm báo chí quốc tế ICFJ ở Mỹ, Hiệp hội Phát triển quốc tế Canada... Cựu Trưởng đại diện của CNN Iraq Jane Arraf, một trong những nhà báo danh tiếng mà Công nương mời về giảng dạy ở viện, đã nhận xét về cô: “Tôi biết là không có nhiều nhà báo làm được như cô ấy”.
|
Và mục tiêu cao hơn mà bà mẹ 2 con này vẫn đang nhắm đến là “phải làm thế nào để phương Tây từ bỏ những định kiến sai lầm của họ về vùng Trung Đông”. Phát biểu tại một hội nghị của Hãng tin Al Arabiya, bà thẳng thừng tuyên bố: “Tôi biết rằng có những hình mẫu tiêu cực ở Hollywood nhưng cũng tồn tại một thái độ phân biệt khi các hãng tin phương Tây đưa tin về Ả Rập. Nhiệm vụ của chúng tôi là chiến đấu chống lại từng từ ngữ vốn chống đối hoặc phân biệt Ả Rập”.“Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy nhiều người còn ngây ngô không biết chúng ta là ai. Và đây, thêm một nhiệm vụ nữa cho chúng ta là phải cho họ biết chúng ta thực sự là ai để giúp họ không rơi vào những suy nghĩ định kiến”, bà tiếp lời.
Và nay cuộc chiến mà hai vợ chồng bà theo đuổi vẫn đang tiếp tục khi mỗi người đều muốn tạo ra những đóng góp mang tính toàn diện để thay đổi thế giới.
Bình luận (0)