Đây là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận trong tọa đàm "Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới" do Báo VietnamPlus tổ chức tại Hà Nội ngày 17/8 vừa qua.
Luật không thiếu, nhưng yếu khâu thực thi
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) 2012 đã có quy định chặt chẽ ở Điều 9 về việc không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá. Điều 29 Nghị định 117/2020 ngày 28.09.2020 quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu rõ hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa, hành vi mua, bán thuốc lá dù có sử dụng hay không thì vẫn bị áp dụng các hình thức phạt đối với đối tượng giao dịch chưa đủ tuổi thành niên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiếu vắng vai trò của các cơ quan bộ ngành khi thực thi các biện pháp xử phạt người hút thuốc lá chưa đủ tuổi. Chính vì vậy tại hội thảo trên, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho rằng luật quy định chặt chẽ và đầy đủ, nhưng yếu trong vấn đề thực thi. Do đó, cần có một lực lượng chuyên trách để thực hiện việc kiểm soát và xử lý này. Ông Hải cũng lấy ví dụ so sánh giữa việc không đội mũ bảo hiểm thì có lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt, nhưng nếu người dưới 18 tuổi mua và sử dụng thuốc lá thì cơ quan nào sẽ xử phạt?
Cũng liên quan vấn đề tính hiệu quả của việc xử phạt, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính trong hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" của Báo Pháp luật Việt Nam hồi tháng 7 cũng từng đưa ra một ví dụ thực tiễn khác. Đó là khi tăng thuế tiêu thụ lên rượu bia, tỷ lệ sử dụng vẫn cao, nhưng chỉ cần áp dụng biện pháp phạt nặng (mức phạt tiền cao, giam xe) đối với người có nồng độ cồn cao tham gia giao thông, tự động mức tiêu thụ rượu bia giảm.
Từ diễn tiến hiện nay, các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn thuốc lá truyền thống lẫn thuốc lá mới trong giới trẻ, cần kết hợp nhiều biện pháp dựa trên hệ thống pháp luật sẵn có. Do vậy, không nên cấm vì thuốc lá mới chưa được quy định quản lý cụ thể, hoặc cho rằng cấm là biện pháp duy nhất để bảo vệ giới trẻ.
Hiện có nhiều quốc gia áp dụng biện pháp ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với tất cả các sản phẩm thuốc lá một cách nghiêm ngặt. Trong đó, mức phạt cao nhất cho các nhà bán lẻ là tước giấy phép kinh doanh nếu có bất kỳ hành vi nào tiếp tay, hoặc trực tiếp giao dịch thuốc lá với người dưới tuổi quy định. Đối với nhà sản xuất thì có quy định cấm các loại mùi hương có tính thu hút giới trẻ hoặc một số chất phụ gia thêm vào thuốc lá điện tử. Đối với người mua thì có quy định nâng độ tuổi sử dụng từ 18 lên 20 hoặc 21 tuổi như Đài Loan hay một số tiểu bang của Mỹ. Nhật Bản thậm chí còn có thể áp dụng hình phạt cao nhất là buộc thôi học đối với học sinh dưới 18 tuổi sử dụng thuốc lá…
Luật đi sau thực tiễn: Lỗ hổng cần sớm được lấp
Tại hội thảo, Ths.BS. Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho rằng, việc cấm hoàn toàn thuốc lá mới là không khả thi, vì các sản phẩm này hiện đã tràn lan trên thị trường chợ đen. "Rõ ràng luật hiện đang đi sau thực tiễn một khoảng rất dài," BS. Phương đánh giá.
Ông Lê Đại Hải nhận định, chính vì không có quy định nên mới xảy ra tình trạng thuốc lá mới nhập lậu xâm nhập vào học đường, trà trộn chất cấm. Giải pháp là cần tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi vi phạm đó tiếp diễn. Vì thế, ông Hải kiến nghị: "Đã đến lúc cơ quan ban ngành cần khẩn trương trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý các sản phẩm này một cách chặt chẽ".
Cùng đề cập đến vấn đề quản lý, BS. Phương cho biết, cần phải làm rõ rằng thuốc lá mới không vô hại hoàn toàn, và không phải loại nào cũng giống nhau. Đồng thời cần xác định rõ những loại thuốc lá mới này là giải pháp để giúp cho những người đã hút thuốc lá giảm thiểu tác hại thuốc lá điếu và tiến tới cai hoàn toàn, chứ không phải là một lời mời mọc cho giới trẻ.
Theo đó, BS. Phương cho rằng có hai vấn đề cần tách bạch: Một là cấm tiệt hoàn toàn những người dưới 18 tuổi tiếp xúc với thuốc lá nói chung. Hai là cần cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới đã được khoa học chứng minh là ít nguy cơ hơn thuốc lá điếu, để phục vụ cho mục tiêu giảm tác hại của người hút thuốc trưởng thành
Hiện, thị trường chợ đen tồn tại đa dạng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT). Theo đó, cấu trúc của TLLN đơn giản hơn so với TLĐT, chỉ chứa nguyên liệu thuốc lá và được làm nóng bằng thiết bị điện tử để tạo ra nicotine trực tiếp từ lá thuốc lá tự nhiên.
Trong khi đó, TLĐT chứa hơn 16,000 loại tinh dầu, và đa dạng chủng loại, từ loại dùng một lần, dùng nhiều lần, đến loại có thể hoặc không thể thêm tinh dầu hoặc nicotine và các chất khác.
BS. Lê Đình Phương cho biết, trong Hội thảo Tim mạch châu Âu, nguy cơ tim mạch, ung thư phổi, xơ vữa động mạch của shisha hoặc vape (một dạng TLĐT) tương đương thuốc lá điếu. Ngoài ra, do hệ thống mở, nên TLĐT có thể bị pha trộn các chất khác nhau, thậm chí là á phiện (ma túy).
Bình luận (0)