Ai thiệt, ai lợi?

24/03/2015 05:15 GMT+7

Đồng USD mạnh lên theo đà phục hồi của kinh tế Mỹ khiến tỷ giá trong nước đang chịu sức ép với những phân tích, dự báo và cả đồn đoán về việc liệu Ngân hàng Nhà nước có tăng tỷ giá USD/VND hay không.

Đồng USD mạnh lên theo đà phục hồi của kinh tế Mỹ khiến tỷ giá trong nước đang chịu sức ép với những phân tích, dự báo và cả đồn đoán về việc liệu Ngân hàng Nhà nước có tăng tỷ giá USD/VND hay không.

Tăng tỷ giá thì doanh nghiệp xuất khẩu có lợi nên tất nhiên họ mong muốn điều này.
Trong trường hợp tổng thể giữa xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng thì cái lợi của đầu xuất khẩu sẽ là cái thiệt của đầu nhập khẩu. Nhưng theo Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay chúng ta nhập siêu hơn 1,8 tỉ USD. Nếu chỉ nhìn ở góc độ này, tăng tỷ giá thiệt nhiều hơn lợi.
Nhìn xa hơn một chút thì dự báo năm nay chúng ta cũng nhập siêu nên trong dài hạn cả năm, tăng tỷ giá về cơ bản vẫn là thiệt. Nhưng tăng tỷ giá hay không, cuối cùng phải nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể. Mà cán cân thanh toán tổng thể của VN năm nay dự báo thặng dư khoảng 3 - 5 tỉ USD. Mấy năm trước, cán cân thanh toán tổng thể của VN cũng luôn thặng dư. Điều đó cho thấy chúng ta không thiếu ngoại tệ, cung cầu bình thường. Tất nhiên, thị trường cũng có thể mất cân đối nhưng cũng chỉ là mất cân đối tạm thời, trong thời điểm nhất định. Khi người có không muốn bán nhưng người mua vẫn có nhu cầu, tạo ra khan hiếm. Lúc đó trong vai trò là người mua bán cuối cùng, NHNN có thể bán ra can thiệp.
Theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức khoảng 35 tỉ USD nên việc điều tiết thị trường là hoàn toàn trong tầm tay. Đó là chưa kể ngay đầu năm, cơ quan này đã chủ động điều chỉnh tỷ giá 1%. Vì vậy, dù NHNN chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này nhưng khả năng tăng tỷ giá là rất ít.
Điều cần phải cân nhắc nhiều nhất trong vấn đề USD tăng giá lúc này nằm ở khía cạnh khác. Chúng ta đều biết, nguyên nhân khiến tỷ giá ổn định trong những năm qua là do NHNN đã hạ lãi suất gửi USD thấp xuống, hiện chỉ 0,25%/năm đối với các tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi dân cư. Mức lãi suất này được tính toán rất kỹ, cộng cả trượt giá, mức điều chỉnh tỷ giá... sao cho vẫn không hấp dẫn bằng lãi suất tiền đồng (VND). Như vậy, nếu đầu cơ hay đầu tư vào USD sẽ không có lợi bằng gửi tiền đồng. Nên mấy năm qua, giá trị đồng tiền VN đã được củng cố và ổn định, người dân đã tin tưởng và chọn VND. Giờ USD tăng, nếu cứ để lãi suất USD thấp liệu có thể xảy ra tình trạng găm giữ USD bên ngoài và có ảnh hưởng tới kiều hối hay không? Còn nếu nâng lãi suất USD trong nước tương thích với lãi suất USD của Mỹ mà vẫn bảo đảm sự hấp dẫn của VND thì phải nâng lãi suất VND lên. Trong khi chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất.
Lãnh đạo NHNN cho biết, đây mới là vấn đề mà NHNN đang phải đau đầu tính toán, theo dõi và cân nhắc chứ không phải tăng hay không tăng tỷ giá USD/VND, bởi về cơ bản, chủ trương của cơ quan này vẫn là ổn định VND. Nếu tỷ giá bấp bênh sẽ phá vỡ niềm tin, tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Được một chút chỗ này nhưng mất đi đại cục. Và tất nhiên trong vai trò nhà quản lý, quan trọng nhất vẫn là giữ được đại cục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.