Đổi mới công nghệ là việc làm bức thiết
Những sản phẩm tốt nhất thế giới không bao giờ ra lò từ một quốc gia có nền công nghệ lạc hậu. Sự thành công rực rỡ của những thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu đều đánh dấu bằng những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ. Đối với nước ta, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất phải nói là đã quá chậm lại còn quá yếu. Một thống kê cho biết, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở Việt Nam có đến 52% là lạc hậu và rất lạc hậu, 38% trung bình, chỉ có 10% hiện đại.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao càng “thảm”: mới chỉ có 2%. Nếu chỉ nhìn sang mấy “người bạn” trong khối ASEAN thôi cũng đã chạnh lòng: ở Thái Lan, tỷ lệ này là 31%, ở Malaysia là 51% và ở Singapore là 73%. Còn so với mức trung bình trên thế giới thì dường như mình cũng gần… chót bảng!
Chẳng hạn, phần lớn máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng cũ hơn mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 - 1960, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ… tân trang.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hàng hóa của NTD Việt ngày càng khắt khe. Họ đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Nhìn xa trông rộng hơn, sản phẩm Việt phải có những “phẩm chất” quốc tế để hội nhập. Tất cả những thúc bách hợp lý đó buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm… thì mới có thể thành công trên thương trường ngày càng có lắm đối thủ cạnh tranh và NTD thì ngày càng “khó tính”.
Các chuyên gia công nghệ cũng như những nhà kinh tế xem công nghệ như “chiếc đũa thần” để giúp doanh nghiệp đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm một cách rõ rệt. Mặt khác, máy móc công nghệ hiện đại còn giúp doanh nghiệp giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, giảm tác động xấu đến môi trường…
Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam đã coi việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh là vũ khí cạnh tranh hữu hiệu. Vì thế, bộ này đã hoạch định những chiến lược cụ thể, đồng thời hô hào, cổ vũ các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ.
Câu chuyện công nghệ của một doanh nghiệp
Tôi còn nhớ, ông Trần Quý Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) đã tâm sự: “Triết lý kinh doanh của chúng tôi là phải nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao nhất, dịch vụ tốt nhất và phải hoạt động trên phương châm “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”. Để thực hiện được phương châm trên, việc đầu tư mạnh mẽ trong việc đổi mới công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng”.
Thực tế hiện nay, tất cả những dây chuyền sản xuất hiện đại của THP được nhập từ châu Âu, nổi bật là công nghệ chiết lạnh Asepstic được áp dụng cho sản phẩm của tập đoàn như Trà thảo mộc Dr Thanh.
Trong dịp tham quan nhà máy THP, ông Đinh Văn Vinh - Giám đốc sản xuất của tập đoàn này giải thích: “Công nghệ Aseptic với thiết bị hiện đại được thực hiện khép kín trong điều kiện vô trùng. Trong đó, bán thành phẩm sau khi tạo ra phải đưa qua hệ thống UHT (siêu thanh trùng). Ngoài ra, nắp chai, vỏ chai, bao bì cũng phải qua hệ thống vô trùng. Môi trường phòng chiết và các điều kiện như lọc gió, khí nén… hỗ trợ để tạo ra sản phẩm cũng phải vô trùng. Hơn nữa, dây chuyền chiết lạnh Asepstic còn có khả năng giữ lại cao nhất các chất dinh dưỡng cần thiết trong nguyên liệu tự nhiên”.
Đi trước và đầu tư “khủng” cho các dây chuyền công nghệ hiện đại vào hàng bậc nhất Đông Nam Á với công suất 30.000 chai/giờ còn giúp cho THP đủ năng lực đáp ứng số lượng lớn sản phẩm ra thị trường ngày càng rộng mở…
Bên cạnh đó, để cải thiện hệ thống quy trình hoạt động, công ty tiến hành thực hiện giải pháp công nghệ SAP chạy trên nền tảng của IBM. Giải pháp này giúp THP triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai trong khi vẫn đảm bảo được tỷ lệ thu hồi vốn (ROI) ở mức cao, có được những cơ sở, dữ liệu hoàn hảo khi đưa ra các quyết định quan trọng một cách kịp thời hơn nhờ vào sự hỗ trợ phân tích dữ liệu chính xác của hệ thống này cho công việc kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của mình.
Tại buổi công bố Giải thưởng Thương hiệu quốc gia 2010, một lần nữa ông Trần Quý Thanh khẳng định: “Công nghệ hiện đại đóng góp rất to lớn để THP được công nhận là Thương hiệu quốc gia nói riêng và cho sự thành công vượt bậc của THP trong suốt những năm qua”.
Từ câu chuyện ứng dụng công nghệ của THP và sự đòi hỏi bức thiết của xã hội, mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hãy nhanh chóng nắm lấy “vũ khí” công nghệ. Người tiêu dùng thông minh có lẽ sẽ chọn sản phẩm được ra lò từ dây chuyền công nghệ hiện đại, hẳn nhà sản xuất thông minh cũng sẽ biết đầu tư công nghệ để có nhiều sản phẩm chất lượng. Vì thế, nhìn vào thực trạng đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam dù thật lòng phải nói là vẫn buồn, nhưng cứ hy vọng.
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail: nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát. |
Ý kiến bạn đọc Các số vừa qua quý báo đăng những bài liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), tôi nghĩ đúng như quý báo nêu, BVQLNTD đã trở thành chuyện “nóng”. Rõ ràng, NTD vẫn bị xâm hại quyền lợi mà chúng tôi vẫn chưa được bảo vệ một cách hữu hiệu. Chúng tôi tha thiết mong rằng các cơ quan chức năng, các tổ chức BVQLNTD như Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) sẽ phát huy vai trò của mình để NTD được nhờ. (Bà Nguyễn Thị Hương - Tam Tiến, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) Theo tôi, NTD đừng quá trông chờ vào sự bảo vệ của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác mà cần phải bảo vệ chính mình trước. Kinh nghiệm của bản thân tôi là khi mua hàng hóa tôi đều lựa chọn sản phẩm có thương hiệu của nhà sản xuất uy tín. Tôi cũng rất cẩn thận khi chọn hàng hóa bằng cách xem rõ nhãn mác, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… và đòi những hồ sơ gốc của sản phẩm. Ngoài ra tôi cũng lưu giữ chứng từ mua hàng hóa để làm bằng chứng để khi có thắc mắc, khiếu nại. (Anh Nguyễn Tấn Vân, thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) Chuyên mục Người tiêu dùng thông minh là một trang gắn liền với những điều mà bà nội trợ như tôi rất cần. Tôi mong ngoài những vấn đề vĩ mô mà trang này đã đặt ra thì nên trang bị thêm cho bạn đọc những kiến thức hữu ích như mẹo vặt, bí quyết làm sao để trở thành người tiêu dùng thông minh (Chị Nguyễn Thị Hương Sen, Q.12, TP.HCM) Thiên Thảo |
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)