Thời đại công nghiệp, xã hội tiến vùn vụt, liệu người phụ nữ có nên coi trọng thiên chức làm vợ, làm mẹ hay độc lập tài chính rồi "bung xõa" thoải mái? Như bà Ngọc (NSƯT Mỹ Uyên đóng), có lúc cũ mòn trong bếp núc, rồi có lúc lại trở thành doanh nhân thành đạt và tung hê tất cả để đi theo tiếng gọi bản năng. Từ đó, gia đình tan nát. Ông Phát (Quốc Thịnh) cũng vậy, mải chạy theo lối sống ăn chơi hiện đại, bỏ quên bà vợ cũ kỹ ở nhà. Rốt cuộc, hình như người ta đang loay hoay, phân vân giữa truyền thống và hiện đại, để rồi có khi nhận được cay đắng nhiều hơn.
Bà Ngọc là mẫu người đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Lúc thì quá cũ, lúc thì quá thoải mái, bà đã tự làm chao lệch đời mình và cả gia đình. Đây cũng là hình mẫu cho những dạng phụ nữ hiện tại: người thì không thích ứng được với thời đại; người lại phủ nhận tất cả truyền thống, được tác giả kịch bản tích hợp vào một nhân vật. Tuy vậy, sự tích hợp này tạo nên sự chuyển biến tâm lý nhân vật làm khán giả hơi… băn khoăn. Khó mà tin một kiểu người đã từng rất truyền thống như bà Ngọc mà khi ăn chơi lại ngả ngớn quá đáng như thế, lại cặp kè với một gã đàn ông rỗng tuếch, thô cạn như ông Phát. Phải chăng đây là một kiểu dại dột của đàn bà, qua hình ảnh bà Ngọc vở kịch đưa ra lời cảnh tỉnh cho nhiều dạng phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Ngay cả chồng và con của bà Ngọc cũng cần được cảnh tỉnh, bởi họ không biết trân trọng những gì mà vợ và mẹ mình đã tạo ra cho gia đình, đến khi mất đi mới bàng hoàng đau khổ. Những bữa cơm nhà, những lời thăm hỏi, tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào. Vở kịch để lại cho người xem những liên tưởng gần gũi, sâu xa trong mỗi gia đình.
Bình luận (0)