Một trong những hoạt động hấp dẫn người dân cố đô, du khách phương xa khi đến Festival Nghề truyền thống Huế là tham quan, vui chơi tại các chợ quê, được tổ chức cách xa trung tâm thành phố Huế.
“Chợ quê ngày hội” tại Festival Huế 2023 được tổ chức tại khu vực chợ cầu ngói Thanh Toàn, cách trung tâm thành phố hơn 8 km về hướng Đông Nam, là một trong những địa điểm được nhiều người mong chờ để đến một lần trong dịp Festival Huế kỳ này.
Trưa 2.5, chúng tôi về "Chợ quê ngày hội". Từ xa, đã nghe văng vẳng câu hò: "Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho em về với một đoàn cho vui" mở đầu cho cuộc chơi. Hội bài chòi ở đây làm say đắm du khách bởi tính chất giải trí pha lẫn giá trị truyền thống của nó. Nơi đó, luôn có những "ông hiệu", "bà hiệu" dẫn dắt hội bài chòi, rao những câu vè, điệu hò gần gũi với cuộc sống dân dã với những câu ca dao, tục ngữ, hoặc tự phóng tác, sáng tác đầy dí dỏm, duyên dáng.
"Bà hiệu" bắt đầu rao: "Chàng ơi ai bảo cho chàng, lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây. Trăng đưa gió mà gió lại đưa trăng, trăng lặng vì trời, gió lặng vì ai. Huơ là con... Hai". Rồi "Cây khô xuống nước cũng khô, phận nghèo đi xuống chỗ mô cho giàu. Huơ là con... Nghèo"... "Tới rồi!". Cả hội bài chòi cười nghiêng ngả vang dậy cả khúc sông.
"Bà hiệu" lại tiếp tục đi chợ: "Đi mô cắp tráp đi hoài, cử nhân không phải, tú tài cũng không. Huơ là con... học trò, con Trò"; "Nửa đêm gà gáy le te, muốn đi rón rén đụng nghe cái rầm. Huơ là ông... Ầm"; "Ai về cầu ngói Thanh Toàn, trưa hè gió mát lại nằm ngủ quên. Huơ là con... Ngủ"; "Khoan khoan mời bạn khoan là hò khoan. Đi mô cho thiếp theo cùng...".
Đổi phiên, "ông hiệu" lại vào rao. Đôi khi "bí" quá, "ông hiệu" sáng tác câu rao: "Thương em không dám vô nhà, anh đi ngang cửa ngõ hỏi ai có gà bán không. Huơ là con... Gà".
Người chơi bài được ngồi trong các chòi dựng bằng tre và lợp tranh, gồm 10 chòi đặt ở hai bên và một chòi trung tâm được đặt ở giữa, phía trên cùng là bàn điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành chín ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận số tiền thưởng.
Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con hói chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn (đời Thiệu Trị trùng tên húy nên vua đổi ra Thanh Thủy). Làng Thanh Thủy được thành lập vào cuối thế kỷ 16, các vị tộc trưởng đầu tiên của làng là những người từ quê hương Thanh Hóa đi theo chân Chúa Nguyễn Hoàng vào khai hoang lập ấp. Một người cháu gái thuộc thế hệ thứ 6 của họ Trần (một trong những dòng họ khai canh khai khẩn làng Thanh Thủy) là bà Trần Thị Đạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu này.
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu bằng gỗ được kiến trúc theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), cầu dài 43 thước mộc (khoảng 18,75m), rộng 14 thước (khoảng 5,82m), hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi nghỉ tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men, là một di tích kiến trúc cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Là một trong những chiếc cầu thuộc vào loại hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam. Ngày 14.7.1990, cầu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia.
Bình luận (0)