Alaska hủy mùa đánh bắt cua hoàng đế, cua tuyết sau khi 90% số cua biến mất

15/10/2022 14:57 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử bang, các đội tàu ở Alaska sẽ không cần phải chống chọi cái lạnh giá của biển cả để đánh bắt cua tuyết và cua hoàng đế ở Biển Bering theo truyền thống, vì cua gần như biến mất tại đây.

Cua hoàng đế Alaska là đặc sản nổi tiếng của Mỹ

afp/getty

Đài CBS News dẫn lời giới chức Sở Lâm nghiệp và Săn bắn Alaska (ADF&G - Mỹ) cho biết ước tính khoảng 1 tỉ con cua đã biến mất một cách bí ẩn trong 2 năm qua. Hậu quả là 90% số cua biến mất nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Ngành hải sản của Mỹ đang đối mặt thách thức nghiêm trọng, và các nhà khoa học lo ngại sự sụt giảm đột ngột trong số lượng cua ở đây sẽ gây ảnh hưởng đối với sự lành mạnh của hệ sinh thái Bắc Cực.

“Liệu chúng di chuyển về hướng bắc để đến vùng biển lạnh hơn?” ông Gabriel Prout của công ty khai thác hải sản đảo Kodiak, đặt câu hỏi.

Ông Ben Daly, nhà nghiên cứu của ADF&G, đang mở cuộc điều tra về vụ việc. Ông là người theo dõi tình trạng của ngành ngư nghiệp của tiểu bang, đóng góp 60% sản lượng hải sản trên toàn nước Mỹ.

“Bệnh dịch là một khả năng”, theo ông Daly, và cũng có thể là do biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), Alaska là tiểu bang chứng kiến nhiệt độ gia tăng nhanh nhất trên toàn quốc và đang mất đi nhiều tỉ tấn băng mỗi năm (điều kiện then chốt để cua hoàng đế và cua tuyết sinh sống).

“Điều kiện môi trường đang thay đổi nhanh chóng đến mức chóng mặt. Chúng tôi chứng kiến Biển Bering ấm lên trong vài năm qua và chúng tôi quan sát được những phản ứng từ các loài vốn thích nghi với môi trường lạnh, và rõ ràng đây là sự liên quan”, nhà khoa học phân tích.

Rò rỉ khí metan tác động đến khí hậu toàn cầu như thế nào?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.