Các nghiên cứu tập trung vào các đề tài nhằm hồi sinh và phát triển đô thị, cải tạo thành phố, thiết kế tòa nhà mới, xây dựng không gian công cộng thích ứng với bối cảnh đô thị hiện nay.
1. Tên đề tài: Tái sinh đô thị bền vững: Phát triển thích ứng di sản công nghiệp
Đơn vị thực hiện: PVCHB
Sau khi Luật Thủ đô ra đời, UBND TP.Hà Nội xây dựng lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Ngoài ra, việc mở rộng các không gian sáng tạo trở nên cấp thiết khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Để đáp ứng nhu cầu trên, PVCHB nghiên cứu cải tạo quỹ đất các khu công nghiệp sau khi di dời thành các không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo.
KTS Phạm Trung Hiếu (PVCHB) chia sẻ: "Đây là quỹ đất quý giá của Hà Nội dành cho cộng đồng, cần có chiến lược khai thác hiệu quả. Tôi mong nghiên cứu đến được với cấp quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia, cộng đồng… để cùng suy nghĩ về một Hà Nội mới được trẻ hóa đầy sức sống năng động và sáng tạo".
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân (Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc - Công trình Trường Đại học Phương Đông) nhận định: "Đây là một đề tài thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh một số thành phố lớn đang phá hủy các di sản công nghiệp để lấy quỹ đất cho bất động sản".
2. Tên đề tài: "Đánh thức" nơi chốn trong thành phố
Đơn vị thực hiện: Think Playgrounds
Think Playgrounds tìm kiếm giải pháp kiến tạo không gian công cộng như: sân chơi tái chế, sân chơi di động, công viên thay thế bãi đỗ xe, vườn cộng đồng… Những không gian vừa phục vụ sinh hoạt của người dân, vừa đảm bảo sự phát triển đa dạng của hệ sinh thái, giúp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
KTS Chu Kim Đức cho biết: "Không gian công cộng là nơi mà người dân thành phố hưởng thụ thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ và tạo mối quan hệ. Đó sẽ là "nơi chốn" được tạo ra từ sự hiểu biết, đồng thuận giữa các bên hướng tới mục tiêu chung tốt đẹp".
3. Tên đề tài: Chuyển hóa bãi chôn lấp thành công viên xanh: Nghiên cứu trường hợp Bãi chôn lấp Gò Cát - TP.HCM
Đơn vị thực hiện: TA Landscape Architecture
Ở góc nhìn khác, TA Landscape Architecture quan tâm đến thực trạng phát thải dẫn đến ô nhiễm đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống xung quanh. Đơn vị xác định tiềm năng phát triển cảnh quan khu vực bãi chôn lấp rác thải, đề xuất phương án kiến trúc, đúc kết tài liệu hướng dẫn thiết kế cảnh quan cải tạo bãi chôn lấp rác nhằm xây dựng một không gian xanh quý giá, đánh thức một nơi chốn đáng sống cho TP.HCM.
KTS Vũ Việt Anh (TA Landscape Architecture) bày tỏ: "Thay vì chỉ nghĩ về giải pháp khắc phục những điều tiêu cực, chúng tôi nghĩ về một tương lai tươi đẹp hơn bằng giải pháp kiến trúc cảnh quan để kiến tạo nên không gian đáng giá cho thành phố, chính tại những nơi mà vốn chỉ cần nghe tên đã thấy muốn tránh xa".
4. Tên đề tài: Đổi mới nhà phố - Mini Building
Đơn vị thực hiện: VUUV Architecture & Interior design
Nhằm tìm giải pháp cho những ngôi nhà trong những hạn chế nhất định về diện tích và hình thái, thỏa mãn nhu cầu sống của con người, VUUV thực hiện nghiên cứu "Đổi mới nhà phố - Mini Building".
Nghiên cứu đưa ra một số đặc điểm nhận dạng đặc trưng như: tính phức hợp của công năng; tính linh hoạt của không gian; tính tương tác và chuyển tiếp với đô thị; sự tổ chức giữa không gian chính và không gian phụ trợ. Nghiên cứu đề xuất giải pháp vận hành tòa nhà, cách phân định và tương tác giữa các công năng để tạo nên một hệ sinh thái tốt cho tòa nhà cũng như với phía ngoài đô thị.
KTS Vũ Hoàng Hà (VUUV Architecture & Interior design) trình bày nghiên cứu
TS-KTS Nguyễn Quốc Tuân đánh giá: "Đề tài có phạm vi rộng và tính ứng dụng cao. Nhóm nghiên cứu nên soi chiếu mô hình cấu trúc mới qua các yếu tố kinh tế, văn hóa, nhân văn, môi trường, kỹ thuật và vật liệu… để có được những mô hình nhà ở phố mới, tốt, khả thi, hữu dụng".
5. Tên đề tài: Khu đô thị C-TOWN
Đơn vị thực hiện: TAT Architects Studio
Từ những tìm hiểu về thực trạng cấu trúc dân cư đô thị; đời sống dân cư; chính sách nhà ở xã hội, quỹ đất cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hiệu quả đầu tư và quản lý những khu nhà ở xã hội đã thực hiện, đơn vị nghiên cứu đưa ra giải pháp thúc đẩy sự hình thành các khu đô thị C-TOWN.
Nghiên cứu nhằm mang lại hiệu quả đối với cuộc sống của các tầng lớp cư dân thu nhập thấp, phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, nghĩa tình, hướng tới sự vận hành cân bằng của Hệ sinh thái đô thị.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) nhận định: "Việc hình thành một tiểu khu cho người thu nhập thấp là một ý tưởng nhân văn. Nhóm nghiên cứu có thể tập trung vào các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết kế một khu dân cư có diện tích 1,2 ha với khoảng 1.000 người với nhiều mô hình khác nhau; tìm cách hiện thực hóa mô hình thông qua cấp quản lý, chủ đầu tư có mối quan tâm tương đồng".
Các đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu và kết quả của các phương án sẽ được công bố trong Hội thảo cuối kỳ, được giới thiệu đến công chúng thông qua Triển lãm ALP Pavilion 2023 - 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 3.2024.
Bình luận (0)