- Trời sắp mưa, anh mang theo áo đề phòng.
- Ừ.
Ông ta ngập ngừng trước cửa. Định quay lại. Rồi chợt nhớ ra.
- Mười lăm năm nay anh đi ô tô mà.
- Ừ.
Tiếng sập cửa. Tiếng lách cách của bát đũa va vào bồn rửa. Tiếng ù ù của tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ. Và cả cái bóng của tôi thi thoảng lướt qua tấm gương lớn phòng khách. Tất cả nhắc tôi rằng nếu không lặp lại y cái tiếng sập cửa giống như ông ta vừa làm, thế nào tôi cũng phát điên lên mất. Tôi vội vã chạy lên tầng mặc quàng bộ quần áo, bỏ mặc đám bát đũa còn ngổn ngang như đầu óc tôi suốt nhiều năm qua. Tôi sập cửa phòng ngủ, sập cửa phòng khách, sập cánh cửa ngoài và đóng sập cổng sắt trước khi kịp nhận ra những hạt mưa nặng chịch đang lã chã xuống đỉnh đầu. Ngay cả trời đất cũng muốn nhốt người trong căn nhà u ám này. Tôi quay lại, bắt đầu lại từ đầu bằng cách mở cánh cổng sắt kiên cố, đến cổng ngoài và cửa phòng khách. Cơn bão đêm mùa hạ sầm sập vào cửa kính. Gió sạt mưa lên thềm khiến nước bắt đầu loang dần thành vũng qua khe cửa. Tôi vội đi tìm vài miếng giẻ thấm mưa. Bàn tay mỏi nhừ vì vật lộn với những vũng nước đang xâm nhập vào ngôi nhà 13 phòng qua mọi kẽ hở.
Lần đầu tiên tôi nhận ra mình già đi là qua những dấu hiệu trên mu bàn tay. Hôm ấy trời tràn nắng và tôi phơi phóng vài thứ đồ trên sân thượng. Dưới ánh mặt trời, người ta không che giấu nổi thứ gì dù chỉ một vài nếp nhăn mờ như ánh lụa. Nhưng vết nhăn trên mu bàn tay tôi không mờ. Nắng mùa khô hanh càng khiến chúng nhúm lại khủng khiếp, những thớ sợi chằng chéo như trên lưng một con cá sấu. Điểm giữa sống mu bàn tay là lấm tấm những vết đồi mồi và gân xanh thuồn thuỗn. Tôi đẹp vì đôi bàn tay. Tôi đẹp từ đôi bàn tay cho đến gò má mịn màng và gót chân hồng rực. Và giờ tôi nhận ra sức sống của mình đang dần rút kiệt qua từng đầu ngón tay tê dại. Sinh thể duy nhất chia sẻ với tôi ngôi nhà khổng lồ này không nhận ra điều ấy. Một đôi bàn tay da cá sấu hay một lòng bàn tay mịn hồng như lụa mọc ra từ cơ thể tôi đối với ông cũng vô nghĩa như bữa cơm hầu vẹn nguyên lúc chập chiều. Một vài lần trong bóng tối, người đàn ông ghì sát thân mình vào ngực tôi. Mắt ông khô khốc, miệng ông khô khốc (tôi cảm nhận được điều đó trong bóng tối vô hình) và ông từ từ xâm nhập vào cánh đồng khô hạn đang rạn vỡ. Tôi dần trôi xuống địa ngục, trong khi ông bay đến một thiên đường nào xa tít không có mặt tôi. Chúng tôi làm tình khó nhọc trong hai thế giới phân chia giữa vũ trụ hỗn mang, mặc dù thân hình ông đang gắn chặt vào tôi như một cặp sinh đôi quái thai chưa được phẫu thuật tách rời. Khi cuộc đại phẫu hoàn thành, ông co rúm người và thở hắt một hơi dài. Ông đã trở về với thế giới cô lập bất khả xâm phạm mà tôi như con niềng niễng bơi loe xoe vòng quanh một chiếc hộp đồng có khóa cứ nằm yên dưới đáy nước năm này qua năm khác.
Cơn bão bên ngoài vẫn trút đã đời xuống những hộp diêm bê tông trong thành phố. Bi kịch của người này có thể lại là hạnh phúc của kẻ khác. Cơn bão khiến những người lỡ độ đường hoang mang mỏi mòn đứng đợi dưới một mái hiên xa lạ, khiến những kẻ lúc nào cũng thèm khát thời gian bỗng điên người giữa sảnh chờ vì một chuyến bay lỡ, khiến dân vô gia cư hốt hoảng nhìn trời, khiến những thiết bị văn minh điên cuồng chập điện và khiến tôi thêm một phần chết dần trong lồng ngực. Nhưng cơn bão đêm lại mang theo hơi ẩm lành lạnh, cả những tiếng quật nước êm ái, tiếng lộp bộp vỗ mái nhà, tiếng lá cây cổ thụ lào xào và tiếng gió rít kỳ bí. Ngần ấy thanh âm trở nên hấp dẫn đối với những kẻ đang nằm trong chăn êm nệm ấm. Tôi có thể nhìn thấy đôi mắt cuồng nhiệt và ngây dại của ông ta đang đắm say trên một cơ thể cũng đang bỏng rãy. Tôi nghe rõ tiếng rền rĩ vì khoái lạc, tiếng thở dài thổn thức, tiếng thì thầm man dại, tiếng dát giường cọt kẹt, cả thanh âm vô hình của những dòng chảy đang thoát tràn trên nhung lụa. Chúng như những con suối thượng nguồn đang ồ ạt thỏa hiệp cùng cơn bão.
Sáng nay, khi tôi đang ăn một lát bánh mì kẹp trứng chiên và ông ta vội vã uống ly cà phê đá kèm bột sữa, đài khí tượng đã thông báo trên một kênh truyền hình nào đó về quá trình di chuyển của cơn bão, về sức gió ở vùng gần tâm bão. Mưa to. Biển động mạnh. Gió giật. Áp thấp nhiệt đới. Ngần ấy thông tin khẩn cấp loáng thoáng qua não bộ trống rỗng của tôi và đôi mắt vô cảm của người đang ngồi uống cà phê. Nhiều năm nay, thông tin luôn trở nên lộn xộn khi chúng xâm nhập vào óc tôi. Những nơ ron thần kinh hóa chập chờn khi xử lý thông tin đầu vào. Chúng biến tất cả những siêu bão cấp 17, suy thoái kinh tế chạm đáy, án mạng rùng rợn trong tiệm vàng và cả một tai nạn thê thảm vừa xảy ra ngay trước cửa bỗng trở thành tấm hình rõ nét mang khuôn mặt đàn bà, vừa xa lạ vừa ám ảnh như một bóng ma ngụ sâu trong tiềm thức.
Tôi loay hoay đánh vật với 78 cánh cửa sổ của 13 căn phòng. Khi đóng được hết ngần ấy cửa thì cũng là lúc tôi kiệt sức trên hành lang tầng thượng của ngôi nhà. Dù có thế nào, tôi cũng cần phải đi ra khỏi khối bê tông lạnh lẽo này, ngay bây giờ. Tôi gọi taxi qua tổng đài và kiên nhẫn chờ một tài xế hoặc tốt bụng hoặc đang cháy túi. Tôi xách theo chiếc ô ướt lướt thướt lên xe. Tôi thông báo địa chỉ cho người tài xế và yên lặng chờ đợi trên băng ghế sau. Đầu óc tôi trì độn, chẳng có gì ngoài những âm thanh quái đản không thể dứt khỏi óc. Chiếc xe hối hả gạt nước và đi xuyên qua những cột đèn đường lấp loáng. Xe chạy rất chậm vì thời tiết xấu nhưng sau chừng 40 phút, người tài xế cũng thả tôi trước cửa một tòa nhà 40 tầng. Tòa nhà này nằm trong một quần thể chung cư, biệt thự, nhà trẻ, vườn hoa, bể bơi và sân tennis. Tất cả đều mới xây dựng nhưng vị trí không đắc địa và thói quen ưa để dành bất động sản của cả dân thị thành lẫn cộng đồng nhập cư đã khiến những công trình tối tân này lặng im như một thành phố chết. Không có bất kỳ ai luẩn quẩn bên ngoài và lưng chừng chỉ lác đác vài ô cửa sáng đèn. Ngay cả bảo vệ tòa nhà cũng biến đâu mất một cách đáng ngờ vực.
Tôi nhấn số 27 trên cầu thang máy và vài giây sau đã được chiếc hộp sắt nhả ra một hành lang lặng ngắt. Tôi dừng lại trước số phòng 2707. Tôi định bấm chuông. Tôi định đập cửa. Tôi định gọi vào số di động của ông ta. Tôi muốn một cuộc nói chuyện, cho dù ông ta có ý định quẳng tôi từ cửa sổ tầng 27 xuống mảnh sân sũng nước của tầng trệt vì một kẻ vô duyên không mời đã phá hỏng những giây phút thần tiên giữa tâm bão. Nhưng ánh sáng lợt lạt hắt thành một vệt chéo thanh mảnh trên mặt sàn hành lang khiến tôi nhận ra rằng cánh cửa chỉ khép hờ chứ không khóa. Tôi dùng khuỷu tay ẩy cửa bước vào, ngay tức thì nhận ra rằng ông ta không có ở đây. Căn phòng lành lạnh và tiếng ù ù của những thiết bị điện tử có vẻ gì đó quen thuộc. Tôi đang đứng giữa phòng khách, một căn phòng xinh xắn có chiếc salon bọc dạ nâu, đèn tường tỏa ánh dìu dịu hắt bóng lên lọ sen đã chút tàn và vài khung ảnh với những tấm chân dung tươi tắn, trong đó có một tấm cô ta đứng đằng sau, đôi tay vòng lên cổ người đàn ông đang cố gắng quay lại để rướn một nụ hôn lên má người tình, phông nền là bãi biển xanh ngợp rực nắng.
Tôi tránh không nhìn vào khuôn mặt hạnh phúc của ông ta, thản nhiên với một người đàn bà xa lạ, trong một khung cảnh xa lạ và tự lồng khung ở căn phòng xa lạ này. Tôi bước qua phòng khách rồi vào phòng ngủ. Cô ta đang ngủ, trong ánh vàng sậm của ngọn đèn bàn. Dáng ngủ yên lành, thanh thản và có phần mê mị, vì cánh tay trần rũ ra ngoài mép giường mà chủ nhân của nó không hay biết. Bộ váy ngủ màu đen hầu khiến cho người mặc nó ở trần. Lớp lụa viền ren xô lệch trên bộ ngực màu ngà voi, nơi có mặt dây chuyền đỏ sẫm đang len vào rãnh ngực. Sóng bóng mịn của satin bám trên cơ thể cô ta, trên chiếc eo nhỏ nhắn và cặp hông gọn gàng. Một mé đùi người nằm ngủ hơi co, ép sát vào đùi kia. Mái tóc dài rối bời từng lọn quấn lên bờ vai trần và bao lấy khuôn mặt đẹp khiến tôi bỗng dưng cảm thấy có lỗi vì đã làm phiền. Tôi không có ý định gọi cô ta dậy vì nhanh chóng nhận ra cô ta đang chết dần. Số lượng quá mức bình thường của những vỏ thuốc rỗng vương vãi trên tấm drap màu bordeaux và dưới chân giường khiến tôi hiểu rằng không phải cô ta đang ngủ.
Remeron, chính là loại thuốc mà tôi vẫn kê cho cô ta hằng ngày. Áng chừng 20 vỉ. Cô ta đã uống hơn 200 viên, số lượng đủ để gây ngủ một con voi và hạ gục một con hà mã. Bốn năm nay cô ta là bệnh nhân của tôi. Tôi kê cho cô ta mỗi ngày một viên thuốc, và tăng dần liều lên viên rưỡi theo những cơn trầm cảm bột phát muốn tìm đến cái chết. Bốn năm ba tháng lẻ hai mươi bảy ngày, tôi cố gắng neo giữ cô ta ở lại cõi trần thế bằng những viên biệt dược và với tâm thức của một kẻ được đào tạo để giúp cho não bộ nhân gian trở nên trong sạch và tỉnh táo. Tôi đã gặp cô ta 9 lần tất cả, và đến lần khám bệnh thứ 3 thì bệnh nhân của tôi bắt đầu tâm sự về chồng tôi, cũng là người tình của cô ta, và những nỗi đắm say mà ông ta mang lại. Tôi nín lặng lắng nghe như một bổn phận. Lần thứ 5 đến tìm tôi, cô ta đã khiến một bác sĩ chuyên khoa tâm thần với đầu óc tỉnh táo và lành mạnh biến thành một kẻ hoang tưởng thực sự với đầy rẫy những cơn ám ảnh đồi trụy và bệnh hoạn. Tôi ngồi ghé trên chiếc đi văng, liếc nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc trên mẩu giấy: “Anh của em, em đã kiệt sức rồi… Em xin lỗi… Nhưng em vẫn mãi ở bên cạnh anh”. Máy tính của cô ta vẫn đang để mở, chăng kín cửa sổ màn hình là một tấm ảnh tương tự như khung ảnh ngoài phòng khách, nhưng lần này ông ta đang nằm ngửa trên mặt cát, còn cô ta ở trên. Hai bầu vú ép lên tấm ngực trần rộng lớn. Cả hai đang quay ra nhìn tôi. Tươi cười. Có vẻ như bức hình được chụp bằng chế độ tự động của máy ảnh.
Chỉ bằng một cú điện thoại, tôi sẽ cứu sống cô ta. Lồng ngực mềm mại vẫn đang dềnh lên dập xuống nhè nhẹ, nhưng nó sẽ vĩnh viễn yên tĩnh trong một vài tiếng đồng hồ tới. Tôi vẫn ngồi yên lặng trên đi văng, ngắm nhìn cô ta đang chết dần. Tôi đếm tiếng kim giây đồng hồ đang di chuyển. Tôi đếm ánh chớp lóe từng chập lên tấm rèm cửa không thể lay động trong gian phòng kín bưng này. Tôi đếm tiếng nước rỉ giọt của một chiếc vòi nào đó bị hỏng trong buồng tắm. Tôi đếm cả nhịp tim trong lồng ngực. Và tôi đếm từng hơi thở suy kiệt đang hắt ra chậm rãi từ sống mũi xinh xắn trên chiếc giường ngủ kia. Tôi ngồi đối diện với bệnh nhân của mình, tình địch của mình, nỗi ám ảnh và bóng ma đã hành hạ tôi suốt bốn năm ba tháng lẻ hai mươi bảy ngày.
Tôi nhìn cô ta chòng chọc bằng đôi mắt chờ đợi của thần chết, trong khi chiếc điện thoại của chủ nhà vẫn đổ chuông từng chập dài. Số máy của ông ta khắc khoải hiện lên màn hình. Sau cùng, cho đến lúc cơ thể tôi đã tê dại vì bất động ở một tư thế quá lâu và lớp satin đen mịn trên vồng ngực cô ta không còn chao nhịp nữa, tôi mới đứng dậy và rời khỏi căn hộ. Tôi dùng chiếc khăn quàng lụa lót tay để đóng cửa. Tôi cố gắng không đụng vào bất cứ thứ gì trong căn phòng và không để lại bất kỳ dấu vân tay nào. Chồng tôi không biết gì về căn bệnh của cô ta. Và ngay cả bóng ma của cô ta cũng không biết thực chất tôi là ai. Không ai nhìn thấy tôi vào căn hộ này. Cô ta tự sát. Cô ta tự kết thúc cuộc đời sung sướng tràn ngập tình yêu kẻ cướp của mình. Và tôi chỉ là kẻ chứng kiến.
***
Ông ta khiến tôi trở nên stress trong suốt những ngày dài sau đó. Khuôn mặt vô cảm được thay thế bằng ánh nhìn thất thần và hai hốc mắt sâu trũng. Ông ta không nói dù chỉ những mệnh lệnh cần thiết nhất. Ăn và ngủ đối với ông ta trở nên phù phiếm. Có đôi lần tôi thoáng nhìn thấy ông ta khóc, ở trong một góc khuất nào đó của ngôi nhà. Đó là một kiểu khóc kỳ dị. Nó chỉ là những cái rung bần bật của đôi vai và thoáng run rẩy của đôi bàn tay. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người nào khóc kiểu như thế, như hồ trên vai ông ta đang đè một khối đá nặng nề và giờ cố gắng gồng mình lên chống đỡ. Ông ta giống như một cái bóng trong nhà, và tôi là cái bóng mờ của một bóng tối. Chúng tôi di chuyển như bóng. Chúng tôi không thể chạm vào nhau, như hai linh hồn đang tan biến vào không khí. Ban ngày, tôi đi như một bóng ma trên đường ngồn ngộn hai dòng xe cộ để đến nơi làm việc, một phòng mạch tư đầy những bệnh nhân tâm thần ngồi xếp hàng chờ sẵn. Đêm đến, tôi không biết chồng tôi ở góc nào trong 13 căn phòng.
Một lần, áng chừng lúc 2 giờ sáng, tôi vẫn chưa ngủ và muốn đi đóng một cánh cửa sổ nào đó bỏ quên đang đập sầm sập vào bờ tường. Lúc đi qua hành lang tầng bốn, tôi nghe có tiếng nói chuyện rì rầm. Là giọng của ông ta. Âu yếm. Dỗ dành. Dịu dàng và tha thiết. Tôi chưa bao giờ nghe thấy âm điệu da diết như vậy từ những con người, từ ông ta lại càng không. Cơn giận đốt cháy tôi. Tôi nhảy bổ vào căn phòng cửa ngỏ để giằng lấy chiếc điện thoại đập tan tành cho hả. Nhưng lập tức tôi nhìn thấy ông ta đang nói chuyện với một người trước mặt. Trong ánh lờ mờ của bóng trăng chiếu qua những khe cửa chớp, cô ta ngồi trên chiếc ghế bành đối diện, vẫn chỉ mặc độc bộ váy ngủ màu đen khêu gợi như lần cuối cùng tôi nhìn thấy. Mái tóc dài hơi rối buông xuống vai trần, đôi chân thanh mảnh bắt chéo, kiểu muốn mời gọi người ta đặt lên đó cả ngàn nụ hôn.
Cô ta đang mỉm cười nghe chồng tôi nói chuyện. Vừa nhác thấy tôi, cô ta quay lại, vẫn mỉm cười. Tôi choáng váng tựa lưng vào cửa cho khỏi ngã. Tức thì cô ta biến mất. Kinh nghiệm trị bệnh thâm niên cho người khiến tôi tự trấn an được cơn sợ hãi. Chẳng có gì lạ, những cơn stress dài ngày, những âu lo, ám ảnh, dằn vặt và mất ngủ không ngừng khiến gây ra ảo giác. Thứ tôi vừa nhìn thấy là một ảo ảnh, không phải bóng ma, giống như ngày nào trong suốt hơn bốn năm nay tôi cũng nhìn thấy cô ta đang đứng trước mặt. Đẹp đẽ và gợi tình. Ông ta cũng vậy, ông ta đang ngập chìm trong ảo giác. Ông ta ăn ngủ, nói chuyện và làm tình với bóng ma của cô ta, trong những căn phòng tối tăm lạnh lẽo này. Tôi bật khóc vì đau đớn. Lần đầu tiên trong rất nhiều năm, bao nhiêu năm tôi cũng không còn nhớ nữa, có lẽ là mười, hoặc hai mươi năm, tôi mới lại cất một lời trách móc và giận dỗi.
- Anh…, chúng ta không thể sống như thế này được. Chúng ta sẽ bán cái nhà u ám này đi và chuyển đến một nơi khác sống, một thành phố khác.
Giọng nói của tôi hầu như cầu xin, hầu như giãi bày và kết tội. Ông ta bỗng như sực tỉnh. Đôi mắt thất thần ánh lên lấp lánh và cuồng si. Tôi trôi từ cơn mê mị này vào một lối u mê khác. Trong bóng tối bất phân minh giữa các thế giới, tôi tuột dần chiếc áo ngủ qua hai vai, sượt xuống đôi bầu vú, xuống bụng và qua hông. Người đàn ông nửa gần gũi nửa xa lạ trước mặt tôi ngơ ngẩn nhìn thân hình đàn bà đang run rẩy. Tức thì tôi cảm thấy gò má ấm nóng với đám râu lởm chởm miết lên bụng, rồi lan dần lên ngực lên cổ. Tôi bị nhấn chìm vào một cơn cuồng lốc chưa từng thấy. Bàn tay thô bạo lùa vào giữa hai đùi tôi dễ chịu. Môi và lưỡi thì thầm mơn trớn trên vành tai. Tôi đang tan ra thành một cục bông gòn bay lượn giữa các cánh đồng nở hoa. Nhưng bỗng dưng, tôi nghe thấy một tiếng gì đó sượt qua tai mình. Có vẻ như là một cái tên và một lời âu yếm không quen thuộc.
Cùng lúc đó tôi nhìn thấy cô ta xuất hiện trở lại trên chiếc ghế bành, đôi chân dài thượt vắt lên nhau thản nhiên như đang xem chiếu bóng. Ánh mắt thất thường bỗng trở nên giễu cợt. Tôi chợt nhớ ra cái tên đó vẫn được ghi trên hồ sơ bệnh án của cô ta, chỉ có điều nó đã bị ngắt đi họ và tên đệm, chỉ còn lại một âm thanh ngắn ngủi nhưng thân thiết và gần gũi từ miệng người đàn ông đang ở trên bụng tôi. Tôi bật dậy bằng sức mạnh kinh hồn của một giống loài không phải là người. Ông ta bị bắn ra sau và tức thì tôi vươn dài cánh tay tới tận khe cổ của ông ta. Tôi siết. Tôi ghì chặt cuống họng kẻ đã trở thành cơn ác mộng. Nhưng điều đau đớn hơn cả là ông ta không chống đỡ, mặc dù chỉ cần với một bàn tay đã đủ gạt ngã thân hình kiệt quệ của tôi. Ông ta chỉ nhìn tôi thất thần, mơ hồ và ảm đạm, để mặc đôi bàn tay khô nhám tuốt dần từng hơi thở trong cuống phổi.
Ông ta đã chết. Tôi biết là như thế khi nhìn thấy một phiên bản của ông ta đã lại xuất hiện trên chiếc ghế bành, đối diện với cặp chân dài vẫn đang bắt chéo. Họ ngồi thoải mái như uống trà trong khi cái xác của ông ta đang nằm rũ vô hồn dưới chân tôi. Tôi thấy khó thở. Tôi cố gắng lấy tay lùa không khí vào miệng, giống như món ăn cuối cùng của kẻ sắp giáp mặt tử thần.
***
Ngót 10 ngày sau thi thể ông ta mới được phát hiện. Người ùn ùn kéo tới. Họ vào phòng khách. Họ lên thang gác và đi qua hành lang. Họ bước qua mặt tôi để vào phòng. Họ không nhìn thấy tôi đang đứng ở đó? Họ không mảy may để ý gì đến tôi? Hay tôi cũng đã chết rồi và biến thành một cái bóng? Mà biết đâu, tôi đã hóa thành một cái bóng vô hình qua chừng ấy năm trong ngôi nhà 13 phòng lạnh giá này?
Truyện ngắn của Di Li
Bình luận (0)