Ám ảnh bia rượu: Chuyện kể từ nhà xác và bệnh viện tâm thần

10/11/2018 12:31 GMT+7

Từ những tầng cao của Bệnh viện Chợ rẫy, Sài Gòn hiện ra trong đêm sáng trưng, phản chiếu vào dòng nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt của những con người đang bám trụ… Vì người thân của họ cận kề cái chết do rượu.

Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Thuận Kiều (Q.5, TP.HCM) là khu vực không bao giờ "ngủ". Giữa một bên là khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bên kia là nhà vĩnh biệt của bệnh viện này, nơi đây luôn bận rộn. Trung bình mỗi năm khoa cấp cứu tiếp nhận 26.600 ca tai nạn giao thông. Số ca nặng do chấn thương sọ não chiếm đến hơn 65% và phần lớn người điều khiển giao thông đã có uống rượu bia.
Chuyện từ nhà xác
Nếu chỉ tính riêng số người bị tai nạn giao thông vào đây cấp cứu, mỗi tháng có hơn 20 người tử vong. Chúng tôi vẫn nhớ như in cái đêm hôm đó khi chúng tôi quyết định ngủ lại trong nhà xác bệnh viện. Điện thoại bàn trực reo liên tục. Đêm đó, có đến 5 ca tử vong chuyển sang nhà xác, từ các khoa cấp cứu, ngoại thần kinh. Lần lượt theo nhân viên qua bệnh viện nhận xác, chúng tôi ghi nhận những 3 trường hợp trong số 5 ca tử vong là do tai nạn giao thông.
Ngồi xổm ở sân nhà vĩnh biệt thắp nhang cho chồng vừa được chuyển vào ngăn lạnh, chị N.T.X. (37 tuổi) cho biết, 2 tuần trước đó, anh L.T.C. (43 tuổi) đi đám giỗ ở Đồng Xoài, trên đường về bị tai nạn giao thông ở Quốc lộ 14. Theo người có mặt ở hiện trường, anh C. chạy xe gắn máy Honda Wave, đi loạng choạng, rồi đâm vào chiếc xe tải đang đậu bên lề đường. Cú va chạm làm chồng chị X. bất tỉnh tại chỗ.
Khi gia đình hay tin thì anh C. đã được đưa vào Bệnh viện tỉnh Bình Phước cấp cứu. Do anh bị chấn thương sọ não quá nặng, bệnh viện tỉnh đã chuyển viện lên TP.HCM. Ghi nhận nồng đồ cồn trong máu của anh C. khi nhập viện lên đến 120mg/100ml, vượt ngưỡng cho phép 6 lần đối với người điều khiển xe máy. Sau hơn nửa tháng nằm điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh C. đã không qua khỏi.
Cắm nhang vào bàn thờ Phật và những góc tường ở nhà xác xong, chị X. lặng lẽ bấm điện thoại báo tin cho gia đình. Chị dặn ông bà nội cứ để cho hai đứa nhỏ - đứa lớn 12 tuổi, đứa em 9 tuổi - ngủ, đợi sáng hãy lên Sài Gòn. Rồi chị thu mình trên băng ghế đá, thẫn thờ trong đêm đen.
Đêm trắng lạnh lẽo tại nhà xác bệnh viện là nỗi ám ảnh không bao giờ quên với những ai đã mất đi người thân vì bia rượu Ảnh minh họa: Shutterstock
Ghé qua khoa cấp cấp cùng hai nhân viên nhà xác, lúc 0g45, liên tiếp có 3 ca tai nạn giao thông được chuyển vào. Chiều hôm đó, anh đi từ TP.HCM về Cần Đước (Long An) bằng xe máy và bị 2 kẻ say rượu tông vào. Anh cố gắng gượng về đến nhà trong tình trạng đa chấn thương, sốt, nôn ói… Chiếc mũ bảo hiểm vỡ tan tành, nghi ngờ chấn thương đầu nặng, gia đình đã đưa anh vào viện ngay trong đêm.
Từ những tầng lầu cao của bệnh viện lớn nhất phía Nam này, Sài Gòn hiện ra trong đêm sáng trưng, phản chiếu vào đôi dòng nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt của những con người đang bám trụ vì người thân đang điều trị. Có không ít những người như chị X. đã hoàn toàn tuyệt vọng với những dự báo liên tục cho tình huống xấu nhất từ nhân viên y tế.
Khi những tia nắng của ngày mới ló dạng, khoa cấp cứu cho biết, trong 24 giờ qua, có hơn 300 ca nhập viện và như đã nói có 5 ca tử vong. Trong số ca nhập cấp cứu có 53 ca tai nạn giao thông với 35 ca chấn thương sọ não. Tai nạn giao thông luôn chiếm tỷ lệ cao nhất tại đây, đa số có uống rượu bia.
Xơ gan kèm loạn thần
Ai cũng biết, sử dụng rượu bia quá nhiều, quá thường xuyên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tâm thần nghiêm trọng.
Chúng tôi còn nhớ mãi ánh mắt thơ dại của bé gái 7 tuổi trong lần đến thăm cha đang điều trị tại khoa nhiễm A (chuyên viêm gan, xơ gan…) của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. Cha em, anh Trần Quang H. (41 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) là công nhân nhà máy bia, ngoài sức khỏe như vâm, còn được tiếng uống bia rất chì. Niềm “tự hào” này thường anh biểu diễn trong các dịp lễ Tết, tiệc tùng và bên các quán vệ đường gần chỗ làm.
Uống bia rượu nhiều và thường xuyên sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần  Ảnh minh họa: Shutterstock
Khi lên mức “thượng thừa” của môn “xơ gan thần chưởng”, anh H. chuyển sang nhậu rượu cho nó mau… tưng và như thế mới… đã! Chỉ một thời gian ngắn vừa bia, vừa rượu, anh có biểu hiện loạn thần. Tay chân run rẩy, giật mình hoảng hốt, lo lắng, lên cơn co giật, mê sảng… đặc biệt là những lúc thiếu rượu, các triệu chứng này khiến anh không thể làm việc gì được.
Sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), anh H. bỏ được chứng nghiện rượu nhưng vẫn duy trì bia.
Trong lúc chuẩn bị đi làm lại, cơ thể người đàn ông cao to ngày nào bỗng bị sụt đến cả chục ký, toàn thân yếu ớt, mệt mỏi, chán ăn, nhạt miệng. Da và mắt bắt đầu chuyển vàng khá nhiều. Thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng phù tay, chân.
Cho đến lúc ăn không tiêu, bụng chướng to và đau ghê gớm anh mới chịu nhập viện. Bác sĩ khoa nhiễm A cho biết anh H. đã bị xơ gan giai đoạn 3. Chỉ một thời gian ngắn sau, người anh H. phù nề nặng, xuất huyết nội tạng, dễ chảy máu, cơ thể xuất hiện nhiều vết thâm tím, đau nhức, mệt mỏi
Theo bác sĩ, đây là các triệu chứng của bệnh xơ gan giai đoạn cuối hay xơ gan cổ chướng. Các chỉ định điều trị trong giai đoạn này chỉ còn là những nỗ lực giúp cơ thể bệnh nhân cầm cự, không cho khối xơ phát triển thành khối ung thư.
Ánh mắt của con gái vào thăm cha tại khoa nhiễm A chính là lúc anh H. được “xuất viện” cùng cái lắc đầu “bó tay” của bác sĩ. Hồ sơ bệnh án ghi “bệnh nặng, người nhà xin về”. Trong những tuần lễ cuối cùng nằm ở nhà, anh đau đớn, rên la, thậm chí đập đầu vào vách tường. Vợ con phải xin bệnh viện ghé đến tiêm morphin liên tục để anh có được giấc ngủ yên lành vài giờ.
“Con thấy ba bỏ được rượu rồi. Mẹ và anh chị em con mừng lắm. Nhưng sao ba cứ đau vậy hoài”, cô bé nói với các cô chú, dì dượng, bà con thân quen đến thăm anh H.
Chưa đầy tháng sau, anh trút hơi thở cuối cùng vào một chiều mưa lất phất, lúc các con còn đang đi học ở trường. Trên xe mẹ chở về sớm hơn thường ngày, mắt cô bé đỏ hoe vì biết ba không còn nữa. Dọc hai bên đường, dù chưa đến giờ tan sở, quán xá đã đầy khách với đủ màu sắc của bọt bia, men rượu. Tiếng “Dzô! Dzô! Dzô!” tưởng chừng những bạn nhậu một thời của anh H. vẫn đang còn đâu đó…
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính trong 2 năm gần đây, trung bình mỗi ngày cả nước có 22 người ra đường và không bao giờ trở về nữa. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện không đội nón bảo hiểm, chở quá tải và lái xe trong tình trạng… say xỉn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.