Ám ảnh cát tặc

18/05/2017 06:33 GMT+7

Cơ quan chức năng ở TP.HCM đang tiến hành lấy ý kiến người dân để chuẩn bị nạo vét sông Tắc thuộc địa bàn Q.9 (TP.HCM).

Chỉ mới là giai đoạn họp lấy ý kiến, nhưng hầu hết người dân địa phương đã phản ứng quyết liệt vì vừa nghe nạo vét luồng lạch là họ liên tưởng ngay đến việc khai thác cát.
Dường như, khai thác cát tràn lan ở nhiều tỉnh thành gây ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã ám ảnh người dân. Sau những vụ sạt lở bờ sông cuốn trôi nhà cửa ở H.Chợ Mới (An Giang), H.Thanh Bình (Đồng Tháp) hay sạt lở bờ biển tại Gành Hào (Bạc Liêu)... cuộc sống của người dân tại những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp càng khó khăn.
Giới chuyên gia về môi trường cho rằng sự gia tăng các vụ sạt lở không phải là những sự kiện đơn lẻ mà nằm trong một khuynh hướng chung do tác động chủ yếu từ con người. Nguyên nhân chính được “điểm mặt” là khai thác cát tràn lan cả có phép lẫn trái phép, sự thiếu hụt phù sa và cát...
Lâu nay, việc khai thác cát thường được các doanh nghiệp khoác chiếc áo “xã hội hóa”, có nghĩa là nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu khoáng sản, không sử dụng ngân sách nhà nước. Các nhà khoa học nhìn nhận dù khai thác cát có cấp phép nhưng tình trạng khai thác tràn lan theo kiểu mạnh địa phương nào, địa phương đó cấp phép, cũng dẫn đến hậu quả khoáng sản bị khai thác vô tội vạ, nhà nước thất thu, sạt lở bờ sông nghiêm trọng..., mà chịu ảnh hưởng trực tiếp đó là người dân. Nhà cửa, đất đai, vườn tược, tài sản... phút chốc bỗng “ùm” xuống sông khiến nhiều gia đình trở nên tay trắng.
Để hạn chế sạt lở, thiệt hại cho người dân, các chuyên gia môi trường cho rằng việc trước mắt cần làm là khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao về sạt lở để cảnh báo, ngăn chặn việc xây dựng nhà cửa, công trình và chủ động di dời người dân, đặc biệt là xem xét kỹ các dự án cấp phép khai thác cát tác động đến môi trường như thế nào. Tiếp đến là xem lại vai trò của cát. Cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà còn giữ vai trò ổn định và bồi đắp bờ sông, bờ biển, giữ đất.
Vì thế, cần quản lý khai thác cát chặt chẽ hơn. Điều quan trọng là chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt. Sau những vụ việc phức tạp về khai thác cát gây dư luận trong cả nước, Chính phủ đã vào cuộc và nhiều cuộc đi khảo sát, kiểm tra thực địa đã thực hiện. Tuy nhiên vai trò quản lý ở địa phương rất quan trọng. Chính quyền địa phương nào mà lơ là, buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho nạn “cát tặc” thì tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra phức tạp, khi ấy tính mạng người dân hai bên bờ sông càng nguy hiểm. Ngược lại, chính quyền địa phương nào quản lý chặt chẽ, nghiêm túc thì cuộc sống người dân càng được yên tâm, không còn nỗi ám ảnh lo lắng cát tặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.