Ám ảnh cầu ‘Vĩnh biệt’

13/09/2014 09:45 GMT+7

Đã xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm do té cầu Máng rơi xuống sông, thế nhưng để rút ngắn thời gian đi đường, hàng ngày người dân vẫn liều mình đi lại trên chiếc cầu này.

Ám ảnh cầu ‘Vĩnh biệt’
Cầu “Vĩnh biệt” chỉ là một dòng kênh nhỏ nên việc đi lại trên bề mặt kênh hết sức nguy hiểm - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tam Tiến (H.Núi Thành, Quảng Nam), trong vòng 5 năm qua, đã có trên 15 người chết do băng cầu Máng để đi lại giữa thôn Tiến Thành và xã Tam Xuân 1. Chính vì vậy, ngoài cái tên cầu Máng, cư dân địa phương còn gọi tên cầy cầu này là “Vĩnh biệt”. Mới đây, vào sáng ngày 19.8, sau khi tan chợ, bà Nguyễn Thị Đồi (44 tuổi, trú tại thôn Tiến Thành) điều khiển xe máy qua cầu Máng về nhà. Khi đi đến giữa cầu, không may chiếc xe máy lạc tay lái vướng vào dây cáp thành cầu. Chiếc xe máy đổ nghiêng còn bà Đồi văng xuống sông Trường Giang chết đuối. Cái tên cầu “Vĩnh biệt” trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.

Nhiều người dân cho biết, khoảng 5 năm về trước, cũng trên đường đi chợ về, bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Nguyễn Dương, 43 tuổi, trú thôn Tiến Thành) cũng bị té xe trên cầu rồi trượt chân xuống sông tử nạn. Đau lòng nhất là cái chết cùng lúc của đôi vợ chồng sắp cưới Huỳnh Văn Đồ (lúc đó 25 tuổi, trú tại xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) và Nguyễn Thị Dung (26 tuổi, xã Tam Đại, H.Phú Ninh) vào tháng 6.2009. Sau khi đi gửi thiệp mời ở thôn Tiến Thành, qua cầu để về nhà, khi đến giữa sông, trời nổi giông. Xe máy do anh Đồ điều khiển lộn nhào xuống sông. Chị Dung đi bộ đằng sau, thấy vậy nhảy xuống cứu chồng. Nhưng do nước chảy mạnh, đôi uyên ương đã bị nhấn chìm rồi tử nạn.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, cầu Máng có chiều dài khoảng 300m, rộng 0,8m. Đây vốn là một dòng kênh vượt sông (nối thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến với xã Tam Xuân 1) do Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam đầu tư để dẫn nước từ hồ Phú Ninh về phục vụ sản xuất. Do bên trên có nắp đậy, nên người dân thường “tận dụng” để đi lại như một chiếc cầu. Vì liên tục xảy ra tai nạn chết người nên Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đầu tư kinh phí để nâng cấp, lắp đặt thêm lan can, dây văng. Đơn vị này cũng lắp đặt cổng khống chế chiều cao và lắp tấm biển khuyến cáo sự nguy hiểm cho người dân biết.

Theo ông Giúp, người dân thường đi lại trên cầu Máng chủ yếu là người ở thôn Tiến Thành. Bởi nếu qua cầu sẽ rút ngắn được một khoảng đường dài chừng 10 km so với việc phải đi đường vòng. “Dù biết nguy hiểm nhưng do giao thông cách trở cộng với nhu cầu đi lại bức thiết nên người dân vẫn bất chấp để qua cầu. Nguyện vọng của người dân cũng như chính quyền địa phương là được cấp trên tạo điều kiện nâng cấp, lồng ghép để cầu Máng vừa là công trình thủy lợi vừa là công trình giao thông giúp người dân”, ông Giúp nói.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, sau vụ đuối nước khiến bà Đồi tử vong, Sở đã cử cán bộ về địa bàn kiểm tra tình hình. Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp với các ngành bổ sung biển báo, hạng mục để hạn chế tai nạn giao thông. Theo ông Nhân, đây là cầu thủy lợi nên Sở không quản lý được. Nhưng, sắp tới Sở sẽ trình HĐND tỉnh về việc đầu tư và xây dựng các tuyến đường huyện (tuyến ĐH). Nếu tuyến đường này được H.Núi Thành công nhận là đường tuyến ĐH thì Sở sẽ trình HĐND tỉnh thông qua để đầu tư.

Đổ trụ bê tông chặn cầu Máng

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (H.Núi Thành) thông tin, để hạn chế tạn nạn dẫn đến chết người khi cố băng qua cầu Máng, chính quyền địa phương sẽ xây dựng trụ bê tông chặn hai đầu chiếc cầu này. Theo đó, các trụ bê tông sẽ được thiết kế với độ cao khoảng 50 cm để ngăn chặn các phương tiện qua lại và chỉ dành cho người đi bộ.

Hoàng Sơn

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.