Ám ảnh cháy nổ phế liệu ở Bình Dương

Đỗ Trường
Đỗ Trường
21/03/2018 14:00 GMT+7

Ngày 19.3, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cho biết việc kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh này phát triển một cách tự phát, gây ra nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Nguy cơ cháy nổ rất cao
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 1.200 cơ sở thu mua phế liệu nhưng chỉ có khoảng 200 cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn lại là không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Việc mua bán, tập kết phế liệu làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường xung quanh và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Các cơ sơ mua bán phế liệu hoạt động nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Các loại phế liệu được các cơ sở thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, đủ các chủng loại như: giấ, nilon, nhựa, tủ lạnh, tivi, máy giặt, bình gas đã qua sử dụng. Đáng chú ý, trong hoạt động mua bán phế liệu các cơ sở không chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổi, lấn chiếm lề đường làm nơi tập kết, mua bán phế liệu. Thậm chí bên trong các kho bãi tập kết phế liệu chứa những vật dụng dễ cháy chồng chất lên nhau có khi chứa hàng nguy hiểm dễ cháy nổ như vỏ đạn, bình gas… Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng úy Phạm Ngọc Thanh – Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Cảnh sát PCCC Bình Dương cho biết: “Đặc điểm của các cơ sở thu mua phế liệu nằm ở trong khu dân cư, bên trong chứa nhiều vải vụn, nhựa, ni lông, đồ điện tử cũ nên khi xảy ra cháy kèm theo rất nhiều khí độc, cháy lan rất nhanh gây khó khăn cho việc thoát nạn, tổ chức chữa cháy và ngăn chặn cháy lan.” – thượng úy Thanh nói.
Bất an vì cháy phế liệu
Theo thống kê, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 10 vụ cháy ở các cơ sở mua bán phế liệu, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Văn Bình (người dân gần vụ cháy ở P.Bình Chuẩn, TX.Thuận An, Bình Dương) cho biết: “Khi xảy ra cháy chúng tôi phải chạy nháo nhào để di tản đồ đạc, biết đâu cháy lan sang nhà mình đến lúc đó chạy không kịp. Nói chung sống gần những kho phế liệu thế này bất an lắm” – ông Bình nói. Đáng chú ý, ngày 14.3 vừa qua, xảy ra vụ cháy nổ tại một cơ sở mua bán phế liệu trong hẻm ở đường Bùi Thị Xuân (P.Tân Bình, TX.Dĩ An) cạnh một trường tiểu học khiến hàng trăm học sinh phải sơ tán khẩn cấp. Theo đó, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày (14.3), người dân sinh sống gần bên cơ sở phế liệu này đã nghe tiếng nổ phát ra từ cơ sở này sau đó kèm theo khói và lửa bốc lên cuồn cuộn. Khi Cảnh sát PCCC có mặt, phía bên trong cơ sở này chứa rất nhiều vải vụn, kệ gỗ, xốp cao su đã làm cho đám cháy nhanh chóng lan rộng, khói đen cuồn cuộn bốc cao hàng trăm mét. Vụ cháy tuy không thiệt hại về người nhưng đã làm cho người dân và các em học sinh phải một phen hoảng loạn.
Theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương, các cơ sở thu mua phế liệu không được nằm trong khu dân cư. Thế nhưng hiện nay, đại đa số các cơ sở thu mua phế liệu lại nằm trong khu dân cư và phân cấp quản lý thuộc thẩm quyền của các xã, phường. Tuy nhiên thực tế hiện nay ở nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương việc quản lý hoạt động mua bán phế liệu, phòng chống cháy nổ còn lỏng lẻo dẫn đến những vụ cháy nổ vẫn đang tiếp tục diễn ra reo rắc nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho người dân. Tiếp xúc với PV, nhiều người dân ở TX.Thuận An đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan phòng cháy chữa cháy cần phải mạnh tay hơn nữa xử lý triệt để tình trạng mua bán phế liệu bát nháo như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.