Nơi phát hiện, nơi không
[VIDEO] Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Xe container chạy như ma nhập”
|
Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, trong hai năm 2017, 2018, trên địa bàn TP xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe container. Nguyên nhân chủ yếu do không chú ý quan sát (34 vụ, chiếm tỷ lệ 22%), chuyển hướng không đúng quy định (18 vụ, chiếm tỷ lệ 12%), đi không đúng phần đường, làn đường (13 vụ, chiếm tỷ lệ 9%). PC08 còn phát hiện 10 tài xế container không có giấy phép lái xe, 9 tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhưng chưa phát hiện được tài xế điều khiển phương tiện dùng ma túy đá.
Trong khi đó, ngày 4.1, bà Hà Thị Xư Ghin, Phó phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Nghệ An), cho biết tháng 11.2018, đơn vị này kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm ma túy cho gần 1.000 lái xe khách của gần 20 doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, đã phát hiện hơn 20 tài xế dương tính với ma túy. Những tài xế này sau đó đã bị các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo ông Lê Bảy, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Bình Thuận): “Cabin xe đầu kéo rất rộng, lại có giường nằm phía sau. Nhưng đăng kiểm quy định chỉ có 2 người trên cabin là không hợp lý. Khi lái phụ ngủ thì chỉ còn một lái chính điều khiển xe. Tài xế buồn ngủ thì không thể kiểm soát được. Theo tôi, phải kiểm tra sức khỏe tài xế FC 3 tháng/lần, trong đó có test ma túy hoặc các chất kích thích khác”. Theo ông Bảy, hiện trong giấy khám sức khỏe (để tài xế nâng cấp lên bằng FC) không có mục “chiều cao, cân nặng” cho nên rất dễ bị làm giả. Quy định này cần phải thay đổi để kiểm soát cả bằng lái của tài xế. Cần cấm tuyệt đối xe container chạy vào đường đông người lúc giờ cao điểm.
Hệ thống giám sát hành trình quá tải
[VIDEO] Người nhà nạn nhân bức xúc vì tai nạn ở Bến Lức
|
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, theo quy định hiện nay, thiết bị giám sát hành trình (GSHT) không bắt buộc phải gắn camera. Doanh nghiệp vận tải gắn thêm camera để quản lý phương tiện, lái xe tốt hơn, nên việc trích xuất hình ảnh chỉ thực hiện được với thiết bị GSHT có gắn camera.
Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiết bị GSHT không có dữ liệu như: phương tiện không hoạt động, thiết bị bị hỏng đột xuất, thiết bị chưa đóng phí sử dụng dịch vụ 3G, phương tiện đi vào khu vực không có sóng 3G, nhà mạng cung cấp sóng 3G yếu, do sự tác động của con người (phá thiết bị, tắt nguồn)…
“Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT thuộc Tổng cục Đường bộ VN đã ngưng tổng hợp báo cáo, trích xuất dữ liệu GSHT từ tháng 8.2018 đến nay và có sự sai lệch dữ liệu với nhà cung cấp thiết bị GSHT nên công tác xử lý vi phạm của các Sở GTVT qua thiết bị GSHT gặp nhiều khó khăn và xảy ra khiếu nại”, ông Hải thông tin. Cũng theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2018, lực lượng thanh tra đã xử lý 5 vụ vi phạm về lỗi không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị GSHT theo quy định, với số tiền xử phạt là 78 triệu đồng.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN, cho biết tháng 8 - 9.2018 do hệ thống máy chủ GSHT bị quá tải dẫn tới không truy cập được hệ thống thiết bị GSHT, ảnh hưởng việc tổng hợp, phân tích dữ liệu để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới việc tiếp nhận thông tin từ thiết bị GSHT cũng như theo dõi phương tiện trên hệ thống. Tới tháng 11.2018 hệ thống đã truy cập được bình thường.
Nhưng theo tìm hiểu của Thanh Niên, theo lộ trình quy định của Bộ GTVT tới hết 1.7.2018 tất cả các ô tô kinh doanh vận tải (kể cả xe dưới 3,5 tấn phải lắp thiết bị GSHT). Tổng số xe phải lắp thiết bị khoảng 1,2 triệu xe, đây là lý do khiến máy chủ hệ thống thiết bị GSHT bị quá tải nặng nề từ khoảng tháng 8.2018. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng năm 2016, hệ thống thiết bị GSHT nhiều lần bị trục trặc, có thời điểm không truy cập được như tháng 12.2017.
Theo ông Đỗ Công Thủy, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án đầu tư hệ thống thiết bị GSHT trong năm 2019, tuy nhiên hiện chưa có phương án kinh phí đầu tư.
Trên thực tế, ngoài việc lái xe không chú trọng việc lắp đặt thiết bị GSHT, thì phương thức giám sát, xử lý hiện nay còn nhiều bất cập. Đơn cử, trách nhiệm hậu kiểm, xử lý vi phạm không truyền dữ liệu thuộc các sở GTVT địa phương, tuy nhiên, người nhận dữ liệu trực tiếp lại là Tổng cục Đường bộ VN; từ đó nhiều sai phạm đến cuối tháng mới được chuyển về sở GTVT địa phương giải quyết...
Bình luận (0)